Giới Thiệu Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa – Yoshiharu Tsuboi
Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa là một luận án tiến sĩ được bảo vệ từ năm 1982 tại Đại học Paris và là một trong số ít tài liệu nghiên cứu của một sử gia nước ngoài về giai đoạn 1847 – 1885 của Việt Nam.
Khác với những cuốn sách đã từng nhìn Việt Nam theo con mắt người nước ngoài, Tshuboi đã cố gắng tìm hiểu Việt Nam từ những cấu tạo cơ bản và lịch sử lâu dài trong quy luật vận động và phát triển của xã hội. Chính vì vậy, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa hội tụ đầy đủ những yếu tố của một cuốn sử ký, một cuốn tiểu thuyết lịch sử, một công trình nghiên cứu khoa học. Những phân tích chặt chẽ, tinh tế và đầy tính thuyết phục đã làm nên sự sinh động, cụ thể của từng cái tên, từng con người được nhắc đến vô số lần trong lịch sử: vua Tự Đức, đại tướng Lê Đình Dương, tướng Nguyễn Tri Phương,… cùng những trận thua, những mảnh đất, những tổn thất và cả những thất bại tất yếu.
Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa là một cách nhìn độc đáo về một giai đoạn nghiêm trọng nhất trong số phận tồn vong của các dân tộc phương Đông khi phải đối mặt với một thế giới trước đó hoàn toàn xa lạ: phương Tây. Giá trị của cuốn sách không chỉ dừng lại ở mức sử liệu bởi ngay bây giờ, lịch sử vẫn đang xoay chuyển trong quá trình “toàn cầu hoá”, và Việt Nam lại đối mặt với một cuộc chiến mới, cuộc chiến để giữ lấy bản sắc và linh hồn dân tộc. Và cuộc chiến này, thắng hay bại, vẫn là cách chúng ta đối mặt với nó.
“…Bất cứ ai quan tâm đến lịch sử hiện đại sẽ tìm thấy trong cuốn sách này… sự soi rọi độc đáo một giai đoạn quan trọng nhất đã thai nghén ra lịch sử đương thời.” (Georges Condominas)
“… Tsuboi đã vẽ nên dung mạo của những con người cụ thể, những diễn viên chính và phụ của tấn bi kịch 40 năm thời Tự Đức: từ vị thừa sai này, tên cướp núi cướp biển nọ, hoàng đế, tể tướng, lái buôn đến các sĩ phu và văn thân.” (GS Trần Văn Giàu)
“Trong cuộc giáp mặt quyết liệt với phương Tây của chủ nghĩa tư bản đang lên, chỉ duy nhất có Nhật Bản thành công. Vì vậy việc người ta muốn chăm chú lắng nghe tiếng nói của một người Nhật là đương nhiên. Đấy là người có đủ tư cách, có chỗ đứng cao và xứng đáng hơn cả để có thể,… nhìn thấy nguồn gốc của tai họa mà các dân tộc khác đã không thể tránh được. Riêng đối với Việt Nam, tôi nghĩ, câu hỏi này vẫn còn đau đáu, thậm chí có thể còn rất thời sự.
Ta muốn lắng nghe Tsuboi, để mà nghĩ lại, nghĩ lại nữa, và tiếp tục suy ngẫm tới, cả cho hôm nay, và ngày mai. Và Tsuboi đã không phụ lòng người đọc.” (Nhà văn Nguyên Ngọc)
Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc.