Giới Thiệu Nỗi Niềm U Minh Hạ
“Viết đúng và viết hay là yêu cầu nghiêm khắc của bạn đọc đối với người cầm bút. Nhưng đôi lúc, do nguyên nhân nào đó, tác giả chưa thể viết hay được, thì chí ít: cần viết đúng. ViẾt đúng là bảo toàn sức mạnh văn học và thể hiện nhân cách tác giả. Chúng ta đều biết rằng muốn viết đúng phải “đánh đổi”, phải vượt qua rất nhiều, hoặc vượt qua hết thảy, để đường hoàng bày tỏ với bạn đọc những gì thuộc về cuộc sống – mà số đông cho là Chân lý.
Nỗi niềm U Minh Hạ của Võ Đắc Danh, với tôi; đạt được cả hai – Tác giả tập bút ký này viết rất hay và viết đúng! Trong một gian phòng trên bờ sông Gành Hào, ngọn đèn phát sáng qua những trang bản thảo “gần gũi nhưng lạ lùng” của nhà nghệ sĩ. Tôi say sưa đọc suốt và xúc động bồi hồi với những buồn vui, hoặc suy tư lo lắng của các nhân vật – cũng là nhân chứng lịch sử – mà ngòi bút sắc bén của Võ Đắc Danh đã giúp tôi tiếp cận, sống cùng họ. Tôi muốn chia sẻ…
Hầu như những đất cùng người ở bài nào, đoạn nào trong tập sách, tôi đều thân thuộc. Nhưng nhờ cách phản ánh riêng của nhà văn – nhà báo, tôi chợt thấy lại, chợt nhớ ra… Tôi nghĩ: ngần ấy, cuốn sách rất đáng quý – bởi vì tôi tin vào năng lực “thông tấn lành mạnh” nhiều mặt của nó. Tôi tin rằng nó sẽ được bảo tồn từng chi tiết cho ta soi vào quá khứ, để tự hiểu mình phải làm gì cho hiện tại và cho tương lai…
Nỗi niềm U Minh Hạ không phải là một nỗi buồn, một ưu tư năm tháng cũ – mà là những kỷ niệm có chua xót nhưng ngọt ngào: bao trùm Tình yêu nhân dân và khao khát đền ơn họ.
Không phải tập sách không có những hạn chế, những chỗ dông dài, sơ lược, và có những vấn đề có thể bàn lại với tác giả – nhưng phần này rất ít, chiếm một tỷ lệ nhỏ – nó sẽ được bạn đọc “lướt qua” để đến với những gì lớn hơn…”.
(Nhà văn Nguyễn Bá).
“Qua Nỗi niềm U Minh Hạ, ta thấy bật lên một tâm hồn yêu tha thiết đất đai quê nhà Minh Hải – Cà Mau. Anh viết như nói, nhưng là tiếng nói của một nhà hùng biện. Nó cuốn hút người ta như thể một dòng sông đang cuộn chảy ra biển, để gặp những gì to tác hơn, bao la hơn và mặn nồng tình nghĩa hơn. Đó là những mặn nồng tình nghĩa của một khí chất Nam Bộ, chơn chất, gãy gọn, thỉnh thoảng khôi hài ý vị và một chút bóng bẩy văn hoa. Qua Nỗi niềm U Minh Hạ, ta thấy một Võ Đắc Danh của những con số và những sự kiện, nhưng là những con số và những sự kiện ngoài việc khái quát được vấn đề còn là những nghĩa tình dào dạt ẩn chứa bên trong một nhà báo dũng cảm. Đọc nó, ta như thấy được một Hồi ức làng Che của Nguyễn Đức Thọ hoặc “nổi cộm” hơn là Cái đêm hôm ấy… của Phùng Gia Lộc đã làm xôn xao dư luận một thời. Trong Nỗi niềm U Minh Hạ, ta như sống lại cái thời “người thật việc thật thì ít, người giả việc giả thì nhiều quá” (tr.130), để thấy người nông dân Minh Hải không đầu hàng hoàn cảnh. Họ dũng cảm đứng lên bảo vệ công bằng và lẽ phải. Hơn thế nữa, ta còn thấy ở họ những phẩm chất cao quý của những con người lúc nào cũng muốn làm giàu, làm đẹp cho quê cha đất tổ, để càng yêu họ hơn. Và Võ Đắc Danh đã thành công trong việc tạo cảm tình trân trọng nơi người đọc qua tác phẩm nầy, bởi anh “đã viết đúng và viết hay”, “để đường hoàng bày tỏ với bạn đọc những gì thuộc về cuộc sống – mà số đông cho là chân lý” – như lời ngỏ của nhà thơ Nguyễn Bá cho quyển sách này…”