Giới Thiệu Những Người Khổng Lồ Trong Giới Kinh Doanh
Những người khổng lồ trong giới kinh doanh
là một cuốn sách đặc biệt. Trước hết, đây không chỉ là cuốn tiểu sử phác họa chân dung của bảy doanh nhân tiêu biểu (Andrew Carnegie, George Eastman, Henry Ford, Thomas J. Watson Sr., Charles Revson, Sam Walton, Robert Noyce), qua đó cho thấy lịch sử phát triển của nước Mỹ từ giữa thế kỉ XIX đến cuối thế kỉ XX. Tác giả của cuốn sách, giáo sư lịch sử kinh doanh của Trường Kinh doanh Harvard Richard S. Tedlow, dường như đi tới kết luận rằng bản sắc của Hoa Kì là kinh doanh: Không ở đâu trên thế giới này doanh nhân lại được tôn vinh và môi trường kinh doanh lại thuận lợi như ở Mỹ. Để chứng minh, mỗi chương sách là một gương doanh nhân với rất nhiều bài học sâu sắc và không hề lỗi thời theo thời gian. Và tất cả các phân tích trường hợp về gương doanh nhân tạo nên bức tranh toàn cảnh về quá trình trỗi dậy của Hoa Kì trở thành một cường quốc toàn cầu.
Thứ hai, dễ nhận thấy rằng mỗi một chương sách về tiểu sử nhân vật là sự kết hợp của ba yếu tố: lịch sử, kinh doanh và tâm lí. Ba yếu tố này không nhất thiết được trình bày lần lượt mà hòa quyện với nhau, bổ sung cho nhau khiến cho sự nghiệp và đời tư của từng nhân vật được mô tả trở nên sắc nét, sống động. Chẳng hạn trong tiểu sử của Andrew Carnegie, doanh nhân đầu tiên được nêu trong cuốn sách này, độc giả chứng kiến quá trình vươn lên từ nghèo khó của một người sinh trưởng trong một gia đình Scotland di cư đến Tân Thế Giới, thành đạt trong giai đoạn 1860 – 1870 khi nước Mỹ trải qua những biến cố lớn: cuộc Nội chiến giữa hai miền Bắc – Nam và cuộc suy thoái nghiêm trọng về kinh tế, từ đó gây dựng nên đế chế thép của riêng mình và trở thành người giàu nhất thế giới. Trong quá trình này, tính cách và lối hành xử định hình nên con người Carnegie vừa là nguyên nhân vừa là kết quả cho cả thành công lẫn thất bại của ông trong sự nghiệp và đời tư được tác giả nhìn nhận bằng một nhãn quan tâm lí học độc đáo và tinh tế mang màu sắc Freud, cụ thể là mối quan hệ phức tạp giữa Carnegie với cha và mẹ của ông.
Thứ ba, tác phẩm này của Richard S. Tedlow không chỉ toàn một màu hồng, hay rặt một thứ thanh âm ngợi ca tán tụng về những vĩ nhân như Carnegie đã thành công trong việc biến “Giấc mơ Mỹ” trở thành hiện thực. Cuốn sách còn lạnh lùng nói về cái giá của thành công cá nhân. Bảy doanh nhân được nêu trong sách có một điểm chung: Họ đều có tầm nhìn. Họ thấy những điều mà người khác không thấy, nắm lấy cơ hội và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Và vô tình hay hữu ý, để hiện thực hóa tầm nhìn, họ đặt mình vào thế buộc phải gạt bỏ hoặc hi sinh những điều mà họ trân quý: tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bằng hữu, thậm chí quên cả bản thân như trường hợp George Eastman… Ai đó có thể gọi đây là sự nhẫn tâm. Và tác giả không ít lần đặt ra câu hỏi về bản chất của hoạt động kinh doanh: Có phải tất cả chỉ vì lợi nhuận hay không? Có thể có sự hài hòa giữa việc mưu cầu lợi nhuận của doanh nghiệp và lợi ích chung của cộng đồng không? Trên bình diện rộng hơn, tác giả cũng không ngần ngại chỉ ra cái giá của một môi trường khích lệ kinh doanh: “Kết quả là [tạo ra] một xã hội trong đó mục tiêu dường như là mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi người để trở nên bất bình đẳng”.
Trên đây chỉ là một vài nét lớn về cuốn sách. Không chỉ có thế, độc giả chắc chắn sẽ không phải hối tiếc khi dành thời gian đọc và suy ngẫm những lập luận chặt chẽ, những đánh giá sắc bén, giàu triết lí, dựa trên những cứ liệu đáng tin cậy, được so sánh, sắp xếp một cách khoa học. Thêm vào đó, ngôn từ phong phú, hàm súc và hình ảnh văn học xuất hiện khắp nơi trong sách, trải từ những tác phẩm kinh điển của Hy-La cổ đại cho tới văn học Âu-Mỹ hiện đại, được Richard Tedlow viện dẫn và vận dụng một cách tài tình, khiến cho công trình về lịch sử kinh doanh này của ông tránh được sự khô khan thường thấy ở những tác phẩm cùng loại.
Nhóm dịch chúng tôi thực sự vinh hạnh được chuyển ngữ sang tiếng Việt cuốn sách đặc biệt có giá trị này. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển ngữ, chúng tôi gặp phải không ít khó khăn. Ngoài phạm vi rộng lớn của tác phẩm, bao trùm khoảng thời gian gần hai thế kỉ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực kinh doanh (thép, máy ảnh, xe hơi, máy tính, mỹ phẩm, điện tử bán dẫn,…), thì chính những ưu điểm đã nêu ở trên (sự lồng ghép giữa lịch sử, kinh doanh và tâm lí; cách trình bày đậm chất văn học và giàu triết lí) đã thực sự thách đố lòng kiên trì và sự tỉ mỉ của chúng tôi. Ngoài những chú thích của tác giả, chúng tôi có thêm vào một số chú thích của người dịch (kí hiệu là ND) để người đọc có thể hiểu rõ những hàm ý hoặc ý đồ của tác giả. Mặt khác, chúng tôi cũng mạn phép lược bớt những chú thích dẫn nguồn tư liệu vốn vô cùng quan trọng đối với một công trình học thuật nhưng không thực sự cần thiết cho bạn đọc rộng rãi mà chúng tôi đang hướng đến. Nếu điều này có gây ra sự bất tiện nào, mong quí độc giả gửi ý kiến phê bình cho chúng tôi. Và cuối cùng, vì sự phức tạp của cuốn sách cũng như khả năng dịch thuật còn hạn chế, rất mong bạn đọc góp ý cho chúng tôi để bản dịch được hoàn thiện hơn.
Tham khảo thêm:
Nguồn: Downloadsachmienphi.com