Những Bài Học Của 7 Tổng Giám Đốc Thành Công Nhất Nước Mỹ

Những Bài Học Của 7 Tổng Giám Đốc Thành Công Nhất Nước Mỹ

Giới Thiệu Những Bài Học Của 7 Tổng Giám Đốc Thành Công Nhất Nước Mỹ

KỶ NGUYÊN CỦA NHỮNG GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH ?

Giai đoạn cuối những năm 1990 đầu 2000 đã chứng kiến những chấn động mạnh mẽ trong giới doanh nghiệp và trên các thị trường tài chính ở nước Mỹ, làm lung lay niềm tin của công chúng đối với nhiều tập đoàn quan trọng của nước này.

Do phần lớn công việc nghiên cứu phục vụ cho cuốn sách Những Bài Học Của 7 Tổng Giám Đốc Thành Công Nhất Nước Mỹ được thực hiện trong giai đoạn đầy biến động đó nên những sự kiện diễn ra trong thời kỳ này (chủ yếu từ năm 1998 đến giữa năm 2002) có ảnh hưởng rất lớn đến quy mô và nội dung của cuốn sách. Suy nghĩ đơn giản ban đầu của tôi là tổng hợp và miêu tả những thủ thuật và phương pháp kinh doanh của một số Tổng giám đốc thành đạt cuối cùng lại trở thành một công việc phức tạp và đầy thử thách.

Vào thời điểm khi tôi bắt tay vào viết cuốn sách, môi trường kinh doanh có vẻ như tốt đẹp hơn bao giờ hết. Giai đoạn cuối những năm 1990 tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trên thị trường chứng khoán Mỹ, đánh dấu sự gia tăng liên tục trong gần hai thập kỷ. Nếu như tại thời điểm mở cửa thị trường vào năm 1982, chỉ số công nghiệp Dow Jones mới quanh quẩn ở mức 8000 điểm thì sau đó đã vượt qua các ngưỡng 10.000 và 11.000 điểm. (Khi đó, các chuyên gia thậm chí còn đưa ra dự báo trong một tương lai không xa, chỉ số này sẽ tăng lên tới mức 30.000 điểm!). Tuy nhiên, kỷ lục về mức tăng trưởng ngoạn mục lại thuộc về chỉ số công nghiệp nặng NASDAQ, với mức tăng chóng mặt lên tới 5.000 điểm. Và NASDAQ đã có phần hơi kiêu căng khi tự coi mình là chỉ số trên thị trường chứng khoán trong thế kỷ tới.

Sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động đầu tư của công chúng. Người ta đổ xô đi thay những khoản tiết kiệm hưu trí bằng những kế hoạch đầu tư sinh lợi khác. Và chính những hoạt động này lại góp thêm động lực thúc đẩy hơn nữa mức tăng trưởng nói trên. (Nếu cách đây vài thập kỷ, chỉ có một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ người Mỹ mua chứng khoán hay cổ phiếu cá nhân thông qua các quỹ tương hỗ thì hiện tại có tới xấp xỉ 60% số hộ gia đình Mỹ tham gia vào trò chơi với những con số này). Giả sử ngày càng nhiều người dân có ngày càng nhiều tài sản trên thị trường chứng khoán thì mọi người đều được lợi. Theo lời Chủ tịch cục dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenpan, chính “hiệu ứng giàu có” đã chi phối người dân Mỹ: Chúng ta (người dân Mỹ) cảm thấy mình giàu có hơn và do đó tiêu nhiều hơn, nhờ vậy nền kinh tế sẽ phát triển lên một tầm mức mới. Cái gọi là nền kinh tế mới hứa hẹn sẽ có nhiều người giàu hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Nếu như nhà sử học nổi tiếng Frederick Lewis Allen từng ví những chấn động kinh tế trong những năm 1920 như một “cuộc nổi dậy của giới doanh nghiệp”, thì giai đoạn cuối những năm 1980 và 1990 có thể coi là “cuộc nổi dậy” lần thứ 2. Kinh doanh chiếm vị trí đầu bảng trong số các ngành nghề và những cái tên như Bill Gates, người đứng đầu Microsoft hay Jack Welch, ông trùm của GE đã trờ thành hình mẫu lý tưởng, đôi khi là thần tượng, trong mắt công chúng. Mùa hè năm 2000, một nhà xuất bản đã bỏ ra tới 7 triệu USD để được quyền xuất bản cuốn hồi ký của Jack Welch – số tiền kỷ lục để mua bản quyền một cuốn sách kinh doanh, và xấp xỉ số tiền thường dành cho loại sách hồi ký của những vĩ nhân (cho tới thời điểm đó, số tiền bản quyền của cuốn sách của Jack Welch chỉ đứng sau cuốn hồi ký của Giáo hoàng, trước khi kỷ lục này bị vượt qua bởi số tiền bản quyền trả cho hai cuốn cuốn hồi ký của vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Clinton.

Đó là thời kỳ sôi động trong giới doanh nghiệp Mỹ và gần như ai cũng bị cuốn theo sức hút của thời cuộc. Hàng loạt tạp chí kinh doanh và tài chính mới ra đời và được bày bán nhan nhản trên các sạp báo. Những chương trình truyền hình cáp, thậm chí cả một kênh riêng chuyên về thông tin tài chính, ra đời (phải thừa nhận là chúng tôi đánh giá rất cao những chương trình này). Nếu như trước đây, những vị giám đốc các quỹ tương hỗ, dù rất thành đạt, chỉ biết miệt mài làm việc trong bốn bức tường văn phòng, hầu như không ai chú ý đến, thì giờ đây họ trở nên nổi tiếng chẳng khác gì những ngôi sao nhạc Pop. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời kinh doanh chính là những vị Tổng giám đốc cao cấp. Chân dung của họ xuất hiện trên trang bìa hàng loạt cuốn sách, báo và tạp chí, với mỗi lời nói và cử chỉ đều mang một sức nặng, đôi khi có tính quyết định, đối với những biến động hàng ngày trên thị trường.

Phải thú thực rằng dù luôn phải đóng vai kẻ soi xét hoài nghi trong ngành xuất bản vốn có tiếng là khắt khe, tôi cũng không tránh được sự tôn trọng, thậm chí có một chút tôn sùng những vị Tổng Giám đốc tài năng đó.

Khi tờ Barron’s (một tờ báo chuyên về tài chính) đặt tôi viết một bài về Jack Welch, tôi đã lấy tiêu đề “Cái giá của Những Anh hùng”, với dòng phụ đề bên dưới “Biểu tượng của nước Mỹ”. Khi Tuần báo Newsweek đề nghị tôi bình luận số tiền mua bản quyền cuốn sách của Welch, tôi trả lời khoản tiền lớn như vậy trước kia thường thuộc về những ông chủ Phòng Bầu dục trong Tòa Bạch ốc, song giờ đây ta đã có thể thấy chúng đang dần chuyển đến tay những ông chủ ngồi tại văn phòng điều hành của các tập đoàn lớn.

Đọc Online Những Bài Học Của 7 Tổng Giám Đốc Thành Công Nhất Nước Mỹ

Đọc Onine

Download Ebook Những Bài Học Của 7 Tổng Giám Đốc Thành Công Nhất Nước Mỹ

Download PDF

Exit mobile version