Giới Thiệu Nhìn Lại Những Bến Bờ
Thuở còn ngồi trung học, tôi đã say mê phóng sự tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Nhân vật không tên trong Giông tố khiến tôi ngưỡng mộ là ông nhà báo. Ông ta từ Hà Nội xuyên huyện lỵ dự phiên tòa xử Nghị Hách hiếp dâm Thị Mịch để viết bài tường thuật. Hồi đó, huyện đường cơ hồ triều đình nhỏ và tri huyện cơ hồ ông vua con. Thế mà ông nhà báo coi thường cái quyền uy ghê gớm ấy. Đứng về phe yếu đuối chống đối cường quyền, về phe bị trị chống đối thống trị, nhà báo nhân danh sự thật và soi sáng sự thật. Ông nhà báo làm tôi quên hẳn những hiệp sĩ trừ gian diệt bạo của truyện kiếm hiệp Thanh Đình, Lý Ngọc Hưng, Văn Tuyền … Ông ta mới đích thực là thần tượng của tôi. Dưới ngòi bút Vũ Trọng Phung, hình ảnh ông nhà báo anh hùng ám ảnh tôi không ngớt. Tôi mơ ước trở thành nhà báo.
Thời vừa lớn của tôi, Hà Nội có bốn nhật báo xuất bản đều đặn:
Tia Sáng, chủ nhiệm Ngô Văn
Giang Sơn, chủ nhiệm Thái Vân Hoàng Cơ Bình
Dân Chủ, chủ nhiệm Vũ Ngọc Các
Liên Hiệp, chủ nhiệm Văn Tuyên
Vài tờ khác như Công Tội, Dân Quyền … hoặc đã đình bản, hoặc không phát hành xuống thị xã Thái Bình của tôi. Năm ấy, 1951, tôi chưa đủ kiến thức phân loại lập trường, khuynh hướng chính trị của từng nhật báo. Nghe bố tôi kể Liên Hiệp là báo của Pháp, do ông Tây lai Soubrier Văn Tuyên chủ trương biên tập. Văn Tuyên báo Liên Hiệp khác với Văn Tuyền, bút hiệu của Phạm Cao Củng, cha đẻ thám tử Kỳ Phát, ký tên các tiểu thuyết kiếm hiệp. Báo Liên Hiệp của Pháp, thuộc loại báo gia nô của Phủ Cao Ủy Pháp, nên ít độc giả. Còn báo Công Tội xác nhận Tôi Cộng thì khó ngóc đầu với Sở Kiểm Duyệt và Phòng Nhì Pháp.