Ngợi Ca Sống Chậm

Ngợi Ca Sống Chậm

Giới Thiệu Ngợi Ca Sống Chậm

Cuộc sống còn có nhiều cái quan trọng hơn là tăng tốc

GANDHI

Những ngày này,nền văn hóa của chúng ta dạy rằng nhanh là đúng. Và để nhanh được, chúng ta đã phải trả giá bằng tất cả: công việc, ăn uống, sức khỏe, các mối quan hệ và đời sống dục tình của chúng ta. Cuốn sách Ngợi Ca Sống Chậm kỳ diệu của Carl Honoré đã thách thức sự tôn thờ tốc độ bằng cách chứng minh: Sống Chậm mới là thời thượng. Sống lành mạnh hơn trong một thế giới hiện đại cuồng nộ, tạo lập sự cân bằng giữa nhanh và chậm, điều độ, tự chủ và minh triết. Những điều tra đầy hứng thú của Honoré soi sáng phương thức mới mẻ để sống trọn vẹn đời ta một cách viên mãn, hiệu quả, trong triết lý sâu sa của Chậm.

“Hãy đọc cuốn sách này mỗi ngày một chương – để thông điệp mang tính đột phá của nó ngấm vào trong bạn, hoàn toàn thay đổi cuộc đời bạn”.

Bill MacKibben, tác giả của The End of Nature

“Cuốn sách này đã phản kháng một cách đầy thuyết phục với lối sống gấp vô tình và đưa ra những gợi ý thật cụ thể, hấp dẫn về những cách thức để kéo dài khoảnh khắc sống”

Los Angeles Times

“Truyền cảm hứng gấp triệu lần bất kỳ cuốn sách nào về đổi thay lối sống…”

Sunday Express

“Honoré đưa ra những bằng chứng thuyết phục, gợi ý rằng việc kiểm soát nhịp độ cuộc sống của ta khiến ta không chỉ khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, mà còn mang lại một phong cách sống hiệu quả và xứng đáng”.

Globe and Mail

“Cuốn sách có một giọng điệu riêng, gần gũi bên cạnh những khảo sát kỹ lưỡng của tác giả. Sức mạnh lớn lao của nó nằm ở sự nối kết những ý tưởng dường như khác biệt (ăn chậm và làm chậm!), mang tới cho ta một cái nhìn thật sâu và độc đáo về một vấn đề văn hóa rộng lớn… Honoré đã cho độc giả một cơ hội để thay đổi cuộc đời của họ”.

Vancouver Sun

Con người sinh ra rồi kết hôn, sống rồi chết, đều ở giữa vòng náo loạn điên cuồng đến mức bạn tưởng như họ sẽ phát điên. WILLIAM DEAN HOWELLS, 1907.

Vào một buổi trưa chan hòa ánh nắng hè năm 1985, chuyến du lịch châu Âu thời niên thiếu của tôi tới chặng dừng trên một quảng trường ở ngoại ô Rome. Chuyến xe buýt quay về thành phố đã chậm hai mươi phút và vẫn chưa thấy bóng dáng đâu. Tuy vậy, sự chậm trễ chẳng làm tôi phiền lòng. Thay vì đi đi lại lại trên vỉa hè hoặc gọi điện cho công ty xe buýt để phàn nàn, tôi mở máy nghe Walkman, rồi ngả người trên ghế băng, lắng nghe Simon và Garfunkel hát về nỗi hân hoan được chậm rãi và làm cho thời khắc kéo dài. Từng chi tiết của quang cảnh ấy đã in sâu trong ký ức tôi: hai chú nhóc đá bóng quanh đài phun nước thời Trung cổ; những cành cây lòa xòa quệt trên nóc bức tường bằng đá; một quả phụ già nua xách túi rau về nhà. Mười lăm năm thoắt trôi qua, mọi sự đều đã thay đổi. Khung cảnh giờ chuyển thành sân bay Fiumicino nhộn nhịp của thành Rome và tôi là một phóng viên nước ngoài đang vội vã bắt chuyến bay về nhà ở Luân Đôn. Thay vì thư thái lấy chân đá sỏi cuội trên đường, tôi lao vội qua phòng chờ khởi hành, thầm nguyền rủa những ai cắt ngang đường mà lại đi chậm hơn. Đáng lẽ nghe dân ca từ chiếc Walkman rẻ tiền, tôi lại nói chuyện bằng điện thoại di động với một biên tập viên cách xa hàng ngàn cây số.

Bên cửa lên máy bay, tôi nhập vào cuối một hàng người dài dằng dặc, ở đấy chẳng có việc gì để làm ngoại trừ, đúng vậy, việc không làm gì cả. Duy có điều tôi không chịu được cảnh không làm gì cả ấy nữa. Để chờ đợi cho hữu ích, cũng là để bớt sốt ruột, tôi đọc lướt một tờ báo. Chính lúc đó, mắt tôi bắt gặp một bài viết sau này gợi cho tôi cảm hứng viết cuốn sách về sự chậm rãi.

Những dòng chữ bắt tôi dừng lại giữa đường ấy là: “Chuyện kể một phút trước giờ đi ngủ.” Giúp các bậc cha mẹ thu xếp ổn thỏa với bọn trẻ mất-thời-giờ, nhiều tác giả đã rút gọn các câu chuyện cổ kinh điển thành những mẩu hoàn chỉnh mất đúng sáu mươi giây. Hãy thử tưởng tượng Hans Christian Andersen mà bắt gặp những mẩu tóm tắt lỗi lạc này thì sẽ ra sao. Phản ứng đầu tiên của tôi là reo lên Eureka! Khoảng thời gian này tôi thường bị kẹt vào một cuộc-chiến-buổi-tối-gay-go với cậu con trai hai tuổi, cháu rất thích những câu chuyện dài đọc bằng giọng trầm bổng êm tai. Tuy vậy, mỗi buổi tối tôi lái cháu sang những chuyện cực ngắn và đọc thật nhanh. Chúng tôi thường cãi cọ. Cháu kêu: “Bố đọc nhanh quá.” Hoặc, trong khi tôi đi ra cửa, “Con muốn chuyện nữa cơ!” Một phần trong con người tôi cảm thấy cực kỳ ích kỷ khi làm qua quít thủ tục trước giờ đi ngủ, nhưng phần kia đơn giản không sao cưỡng nổi mong muốn mau mau chuyển sang các mục còn lại trong thời gian biểu của bản thân – nào là bữa tối, thư điện tử, đọc báo chí, hóa đơn thanh toán, thêm chút ít công việc cơ quan, phần điểm tin quen thuộc trên truyền hình. Làm một cuộc dạo chơi dài dòng, lê thê qua thế giới của Tiến sĩ Seuss[1] không phải là một chọn lựa. Nó quá chậm chạp.

Vì vậy, thoạt nhìn, loạt truyện Một-phút-trước-giờ-đi-ngủ nghe ra tuyệt vời đến khó tin là thật. Đọc một mạch sáu hay bảy “truyện”, chỉ mất chưa tới mười phút – còn gì có thể tốt hơn? Tiếp đó, khi tôi bắt đầu tự hỏi liệu Amazon có thể giao cho tôi cả bộ sách ấy chóng đến độ nào, lập tức cảm giác ăn năn xuất hiện dưới dạng một câu hỏi vặn: phải chăng tôi đã hoàn toàn mất trí? Lúc hàng người rồng rắn tiến đến cửa soát vé cuối cùng, tôi cất tờ báo và bắt đầu suy nghĩ. Toàn bộ cuộc sống của tôi té ra là một cuộc tập luyện trong vội vã, trong dồn nén ngày càng nhiều vào từng giờ. Tôi là một kẻ keo cú kè kè chiếc đồng hồ bấm giờ, bị ám ảnh phải tiết kiệm từng khoảnh khắc thời gian, ở chỗ này một phút, ở chỗ kia vài giây. Và tôi không đơn độc. Mọi người quanh tôi – đồng nghiệp, bạn bè, gia đình – đều bị cuốn vào vòng xoáy ấy.

Năm 1982, Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ, đã đặt ra thuật ngữ “căn bệnh thời gian” để mô tả một tín điều ám ảnh là “thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới hòng bắt kịp.” Những ngày này, cả thế giới mắc bệnh thời gian. Tất cả chúng ta đều thuộc cùng một giáo phái tôn sùng tốc độ. Đứng trong hàng người chờ chuyến bay trở về nhà ở Luân Đôn ấy, tôi bắt đầu vật lộn với những câu hỏi nằm ở tâm điểm cuốn sách này: Vì sao chúng ta luôn vội vã như vậy? Đâu là phương thuốc cho căn bệnh thời gian? Liệu có thể, hoặc thậm chí có nên ao ước, chậm lại chăng?

Đọc Online Ngợi Ca Sống Chậm

Đọc Onine

Download Ebook Ngợi Ca Sống Chậm

Download PDF

Exit mobile version