Giới Thiệu Nghề Quản Lý
Giáo sư Henry Mintzberg được độc giả thế giới và Việt Nam biết tới như là tác giả của hàng loạt nghiên cứu về quản lý từ những năm 1970 tới nay. Ông có sức ảnh hưởng to lớn tới sự định hướng phát triển của các lý thuyết quản lý và thực tiễn phát triển toàn diện năng lực của nhà quản lý. Các tác phẩm của ông cung cấp hàng loạt mô hình hữu ích giúp nhà quản lý áp dụng hiệu quả vào công việc. Ở Việt Nam, các luận điểm về vai trò và năng lực của nhà quản lý, cũng như các vấn đề quản lý và chiến lược doanh nghiệp của ông là một phần không thể thiếu trong các chương trình đào tạo về quản lý mang tính hàn lâm tại trường đại học cũng như các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý mang tính thực tiễn cho doanh nghiệp.
Tiếp nối mạch những nghiên cứu về thực tiễn hoạt động của các nhà quản lý, Mintzberg viết cuốn Nghề quản lý như một công trình mang tính tổng kết (tên nguyên bản là Managing, xuất bản năm 2009). Những quan điểm và mô hình mà Mintzberg từng đưa ra trước đây giờ đã được phát triển cụ thể hơn, đồng thời bao trùm hơn trên nền tảng những nghiên cứu thực tế của ông và điểm xuyết các nghiên cứu của nhiều tác giả khác. Rất nhiều ý kiến lý thú và nguyên tắc giúp đánh giá hiệu quả của nhà quản lý mà tác giả đưa ra được đúc kết từ nhiều nghiên cứu khác nhau do chính ông thực hiện từ hơn 20 năm trước tới nay, tất cả được trình bày với cách nhìn mới trong cuốn sách này.
Mintzberg giữ quan điểm nhìn nhận về phong cách và năng lực quản lý qua hành vi của nhà quản lý. Do vậy, ông thường dùng, và dùng rất đắt, các tình huống ứng xử của nhà quản lý để minh họa cho những lý thuyết của mình. Các nhà quản lý Việt Nam đọc cuốn sách này sẽ cảm nhận được hình bóng của chính bản thân mình trong những ví dụ và tình huống này. Mintzberg không kết luận về sự đúng sai trong mỗi hành động của nhà quản lý, mà luôn mở ra cho người đọc khả năng tự kết luận về sự phù hợp và tính hiệu quả của hành vi ấy.
Là những người thường xuyên tiếp xúc với thực tế công việc quản lý tại doanh nghiệp và luôn coi quan điểm “năng lực quản lý thể hiện qua hành vi” của Mintzberg là một trong những kim chỉ nam cho các phương pháp nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp, các chuyên gia tư vấn của Công ty Cổ phần Phát triển Năng lực Tổ chức (OCD) nhìn nhận cuốn sách Nghề quản lý như một nguồn kiến thức tổng hợp, đơn giản và gần gũi đối với nhà quản lý Việt Nam.
Chúng tôi và Công ty Sách Alpha trân trọng giới thiệu tới độc giả Việt Nam cuốn sách này với hy vọng độc giả sẽ tìm được những phương pháp tư duy và phân tích về hành vi quản lý hiệu quả, dễ áp dụng cho chính mình trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Đồng hành cùng độc giả
Cuốn sách này được viết cho tất cả những ai hứng thú thực hành công việc quản lý − bản thân nhà quản lý, những đối tượng làm việc cùng nhà quản lý (trong các khâu lựa chọn, đánh giá và phát triển, v.v…), và cả những ai muốn hiểu về công việc quản lý thấu đáo hơn (giới học giả, giáo viên, sinh viên, những thành phần không-phải-nhà-quản-lý). Mỗi người lại có nhu cầu khác nhau, vậy nên tôi sẽ đưa ra một vài chỉ dẫn.
Trước tiên, hãy lưu ý rằng tôi nhấn mạnh những câu then chốt trong toàn bộ cuốn sách bằng cách in đậm nghiêng chúng, nhằm cung cấp một bản tóm tắt liên tục các luận điểm chính yếu của sách. Nếu bạn là một trong những nhà quản lý bận rộn như được mô tả ở Chương 2, hay chỉ là một người luôn phải dè sẻn thời gian, hãy sử dụng những câu then chốt này để theo dõi mạch thảo luận, tìm hiểu sâu hơn về các luận điểm mà bạn cảm thấy hào hứng nhất.
Hai chương đầu tiên trong cuốn sách này rất ngắn gọn và rõ ràng: chúng đóng vai trò thể hiện tinh thần chung của cuốn sách. Hai chương tiếp sau dài và phức tạp hơn, vì chúng nhắm vào bản chất của công việc quản lý − một thứ không đơn giản chút nào. Còn hai chương cuối cùng, với độ dài vừa phải, thì càng được ứng dụng đúng lúc đúng chỗ sẽ càng thú vị. Mỗi phần được mô tả tóm lược như sau:
Chương 1: Công việc quản lý ở vị trí hàng đầu. Chương này giới thiệu chung về cuốn sách và quan điểm của tôi về công việc quản lý.
Chương 2: Những động lực của công việc quản lý. Chương này khá dễ đọc và có thể lướt qua. Có lẽ bạn sẽ muốn dành sự chú ý đặc biệt vào phần cuối chương – “Tác động của Internet.”
Chương 3: Một mô hình quản lý. Chương này phức tạp hơn, giới thiệu về những vấn đề mà tôi coi là căn bản của công việc quản lý. Bạn có thể nắm bắt được khá rõ ràng từ những câu then chốt được in đậm nghiêng, nhưng tôi thì không thể tách riêng biệt một phần đơn lẻ nào đó; như tôi kết luận, đây là một mô hình mà mỗi phần cấu thành không thể bị tách riêng rẽ. Những độc giả am hiểu ít nhiều về công việc quản lý sẽ thấy Chương 2 và Chương 3 là hữu ích nhất.
Chương 4: Muôn mặt công việc quản lý. Đây là chương viết khó khăn nhất và có lẽ cũng khó đọc nhất − bởi tôi tin vào tính đa dạng phong phú của công việc quản lý. Phần “Các vị thế trong công việc quản lý” sẽ quy nạp những ý kiến của chương này lại với nhau. Một loạt luận điểm trái chiều trong chương này, đặc biệt là về sự thất bại của các nhân tố có vẻ là then chốt (ví như văn hóa và phong cách cá nhân), nhằm lý giải về những gì nhà quản lý làm, có lẽ sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt từ phía các nhà nghiên cứu và chuyên gia phát triển quản lý.
Chương 5: Những vấn đề hóc búa không thể né tránh của công việc quản lý. Tôi viết chương này một cách đầy hứng thú và hẳn bạn cũng sẽ rất hứng khởi đọc chúng, đặc biệt nếu bạn là một nhà quản lý phải sống chung với những điều này hàng ngày hàng giờ. Đây chính là chương dễ áp dụng nhất trong toàn bộ cuốn sách; vì vậy, các nhà quản lý, đặc biệt là những ai tin rằng có một thứ thần dược nào đó, rất nên đọc cẩn thận chương này.
Chương 6: Quản lý hiệu quả. Phần lớn chương này khá dễ đọc và thú vị, đặc biệt là phần mở đầu “Nhà quản lý không hoàn hảo” và phần kết thúc “Quản lý tự nhiên,” cũng như phần thảo luận về “Óc suy xét biến đâu hết?” Những người tư vấn và hỗ trợ các nhà quản lý có lẽ sẽ muốn đặt trọng tâm chú ý vào phần “Tuyển chọn, đánh giá và phát triển các nhà quản lý hiệu quả.”
Phụ lục. Phần này mô tả mỗi một ngày trong đời sống của tám nhà quản lý được thảo luận trong cuốn sách. Toàn bộ mô tả về 29 ngày quan sát và những lý giải mang tính khái niệm của tôi được giới thiệu đầy đủ tại trang web www.mintzberg-managing.com.