Giới Thiệu Miền Lưu Dấu Văn Nhân
Loại hình chân dung đang bùng nổ. Không có gì lạ khi nó đáp ứng từ hai phía: nhu cầu chính đáng được nâng niu tên tuổi, nhu cầu khám phá một thế giới khác với những gì bộc lộ trong sáng tạo của văn nghệ sĩ nhằm nghiên cứu mối liên quan giữa tác giả và tác phẩm. Cũng phải kể thêm nhu cầu bản năng của số đông là thỏa mãn trí tò mò trước đời tư hấp dẫn của những nhân vật danh tiếng. Riêng nhà văn, khi bắt tay vào viết, trước hết là cuộc cam kết về trách nhiệm của họ với từng nhân vật có thật ngoài đời và với văn chương. Sau đó là cách thức nhìn nhận khi anh ta trình diễn trước công chúng những người đã hoặc chưa nổi tiếng, những đam mê và khát vọng, thành công và thất bại của mỗi cá nhân để từ đó dựng nên khung cảnh văn chương của một thời đại.
Vì thế để có một chân dung đích thực theo đúng nghĩa không đơn giản. Người ta dùng chì than xổ vài nét một gương mặt, thuyết phục đó là chân dung tôi, phác thêm bông hoa, gật gù: cái này gọi là chân dung nghệ thuật. Kể hay tả về một người được gọi là chân dung, lăng-xê bằng vài tính từ có thể gắn cho văn sĩ cũng đúng hay thượng nghị sĩ cũng chẳng sai, dù ngợi ca hoặc bài khích trên sách báo, được tóm đồng là chân dung văn học.
Nơi tôi sống, xứ sở mà chân dung được coi là một thể loại văn học từ những năm 1650, được bàn sâu và cụ thể trên giảng đường các trường đại học, thì chân dung nghệ thuật nó phức tạp hơn bông hoa một chút và chân dung văn học cũng phong phú hơn phương diện tính từ một chút.
Chân dung, đơn thuần là sao chụp, khắc họa con người trong một khoảnh khắc của cuộc sống, thiết lập nó trong bộ nhớ, chống lại sự hao mòn của thời gian, giống như những chấm phá của ánh sáng, của màu sắc. Chân dung nghệ thuật là tinh hoa của nhiều khoảnh khắc tạo nên thần thái một gương mặt, bật thức dấu ấn thành công và thất bại, niềm vui và đau khổ mà nhân vật đã thấm trải. Chân dung văn học, ngoài việc phải làm được hai công việc trên, còn phải có khả năng kích hoạt được sự quan tâm và cảm xúc của người đọc, phản ánh được hình ảnh của một thời đại, của một nền văn hóa mà tác giả và nhân vật làm nhân chứng. Chân dung đơn thuần là sản phẩm tự nhiên và chân thực của tình cảm yêu mến. Không mấy ai thực hiện chân dung người mình căm ghét để treo trong nhà. Chân dung nghệ thuật và chân dung văn học bộc lộ chi tiết về hình thức và tâm lý không những bằng tình yêu mà có khi còn bị sự thù ghét phối dẫn ngòi bút tác giả. Nhân vật bị đẽo gọt theo tâm trạng và cảm xúc của người viết, được trao phó cho tài năng, nhân cách và uy tín của tác giả để gây sức ảnh hưởng tới sự tôn trọng hay khinh ghét của người đời.
Tôi nhớ, một giáo sư Pháp từng kể trên bục giảng về tập truyện ngắn trong đó có “Viên mỡ bò[1]” của Maupassant. Flaubert[2] – lúc đó đã nổi tiếng, nhận được cuốn sách của tác giả gửi, nồng nhiệt thốt lên: “Tôi coi “Viên mỡ bò” là một kiệt tác. Đúng vậy anh bạn trẻ ạ. Không hơn, không kém, một kiệt tác của bậc thầy… Cô gái của anh duyên dáng đấy, nhưng, giá anh có thể làm cho nàng mảnh mai hơn một chút thì tôi mới thật sự vừa lòng”! Sau này, các nhà nghiên cứu phê bình, khi so sánh nhân vật “Viên mỡ bò” trong cuốn sách được xuất bản với bản thảo gốc, nhận thấy nhân vật đã bị nhào nặn lại, giảm mỡ ở bộ phận này, khéo léo che giấu cơ quan khác dù hình ảnh nàng được lấy từ một nguyên mẫu có thật là cô Adrienne Legay hết sức tròn trịa ngoài đời. Cho nên, tuy thành công, nhưng “Viên mỡ bò” là một nhân vật của truyện chứ không thể là một chân dung.
Vậy thì mối quan tâm trong một tập sách chân dung, chính là sự thật. Sự thật làm nên sự thành công của một tập chân dung. Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong tập sách này? Bởi ngay chính say mê yêu dấu chỉ cần quá liều lượng khi phóng bút có khả năng vô tình biến đổi chân dung thành một hình tượng hay một điển hình văn học. Điều này làm mất nguyên tắc thống soái của thể loại chân dung: đó là sự pha trộn của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên. Không có chúng, chân dung của anh bỗng trở thành một nhân vật được sáng tạo của truyện ngắn hay một tiểu thuyết ngoài ý muốn.
“Miền lưu dấu văn nhân” – Ba mươi nhân vật, ba mươi số phận công dân với cá tính trội. Người tóc bạc lẫy lừng, kẻ tuổi xanh chập chững. Người, sách, tranh, tiền bạc ngang đầu, kẻ khó rớt. Người ngựa xe đón đưa mỗi bước, kẻ hoang khuất miền quê. Tất cả bình đẳng ngồi chung chiếu thời cuộc vì cùng mang thiên chức sáng tạo nghệ thuật trong mình.
Ai đã thưởng thức tập sách da diết “Dặm ngàn hương cốm Mẹ”, lấp lánh tài hoa tùy bút của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, từng ngỡ ngàng với khả năng phù phép chữ và hình ảnh cùng những liên tưởng không giới hạn, thì trong “Miền lưu dấu văn nhân” sẽ lại có dịp được chiêm ngưỡng nhà ảo thuật chơi cùng bàn phím, biến ảo nhuần nhuyễn giữa truyện ký và tùy bút. Huy động những kỷ niệm tình cờ, các tiệc rượu hay những cuộc tiếp xúc với các văn nhân – những người vừa là bạn chơi, vừa là đồng nghiệp, sắp đặt dữ liệu kiểu ngẫu hứng, chọn lựa chi tiết ngoại hình, qua kỹ năng ví von và ẩn dụ, tác giả thắp sáng cơ chế suy nghĩ và mô hình thế giới nội tâm của nhân vật. Chân dung dần lung linh thứ ánh sáng riêng. Mỗi chân dung biệt lập một hiện thực sống giữa đời thường và tác phẩm. Mỗi số phận nhân vật phản ánh lịch sử đời sống tinh thần giàu có và phong phú theo cách riêng phổ vào dàn hợp xướng đương đại của văn chương Việt.
Các văn nghệ sĩ khi đọc nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế tả về mình, chắc đều phải tủm tỉm giấu nụ cười. Hơi ngượng mà vui. Đằm thắm ánh nhìn giễu cợt thân tình giữa hai kẻ tâm giao, rồi lại dè dặt tách lớp vỏ ngoài hé lộ tâm tư hay một thoáng mong manh mà văn nhân thường xuyên phải đối diện. Quan trọng là tác giả không cố tình tô son điểm phấn, không phóng đại mình lên. Tả thực, chính xác mà không thô, không trần trụi. Đâu là đòn bẩy để đưa nhân vật thoát ra khỏi vỏ hình thức về mặt thị giác để được người đọc tiếp cận bằng linh giác? Đó là nghệ thuật gạn lọc giữa những điểm nhấn sắc nét về hình thức tượng trưng cho tính cách, hài hòa trong sự thống nhất hoàn cảnh và tâm lý, cùng kỹ năng hoán dụ và các mệnh đề, dùng hình ảnh, sắc thái và giọng điệu nối nhân vật với thế giới bên ngoài; ý thức về thời gian đồng thời phủ nhận sự thống trị của thời gian. Như khi viết về họa sĩ – nhà văn Đỗ Phấn: “cặp môi ham hố, đam mê đỏ son không bình thường như kẻ mới biết khui nút chai. Ánh mắt qua cặp kính mắt tròn muôn thuở sáng trầm: mơ, quái, phiền buồn, biểu cảm trạng thái thấu thị hình ảnh phía sau, phía trước và chẳng muốn nhìn thấy gì, nhớ gì. Gương mặt im im, phẳng lặng trĩu ký ức thời gian cộng hưởng.” (Đỗ Phấn – Kẻ hạnh phúc vì sự thất vọng); “Quần áo bò cả cây bạc phếch. Giày chiến sự. Tầm thước, quánh đặc, nâu mịn, đường nét sắc đậm. Tóc suông bóng, rẽ ngôi giữa. Mày rậm. Mũi gồ. Râu bàn chải. Cằm mạnh mẽ. Mắt to, ẩn chứa cả thông tuệ lẫn mơ mộng, tự tin lẫn rụt rè. Phóng khoáng mà gìn giữ. Lịch sự nhưng không cách xa. Thứ văn hóa giao thoa giữa Đông và Tây…”(Chiếc bình rượu của Nguyễn Quang Thiều); “nụ cười sáng duyên chữ và cả duyên tình trong ngữ điệu”, “Âm lượng nhỏ, nhưng dài và vang, từng âm tiết, từng chữ, từng câu được phối âm rõ ràng, không nhanh cũng chẳng chậm có sức mạnh bí ẩn buộc lòng người ta phải lắng nghe, phải chú ý. Một giọng nói chiếm ưu thế để đứng trên bục làm thầy thiên hạ…” (Đỗ Ngọc Thống và những đồng cảm); “Người đàn ông cao lớn, như được vạc đẽo từ những vết rìu quyết liệt bước ra. Ngăm đen, ria mép dài cợp, gò má cao, mắt rực, áo veste dạ đen, khăn len huyết dụ, quần bộ đội ghi xám cấp tá, nhưng đôi giày da lính Liên-Xô sần sùi bên buộc dây bên không. Tự tin giữa lồng lộng phông màn sân khấu đỏ, xanh, nõn chuối bay phần phật, anh ta cúi chào, quá ư duyên dáng, quá ư mềm mại…”(Văn Chinh và đối cực).
Là ông chủ xa hoa của kho tiếng Việt phong phú, luôn ý thức làm mới và tạo nghĩa cho chữ, Nguyễn Tham Thiện Kế không dừng lại ở việc tạc ngoại hình hay tính cách mà tìm cách tôn vinh những giá trị tinh thần. Sinh trưởng ở miền văn hóa gốc Hùng Vương đất Tổ, quê hương quy tụ nhiều văn tài, tác giả có điều kiện sống, giao tiếp cùng những con người đặc biệt là nhân chứng của nửa thế kỷ trầm luân. Những hình ảnh day dứt: “Tuổi thơ Trần Quang Quý đẫm phù sa sông Đà”, chiếc xe đạp của Bút Tre: “vỏ yên nhựa đứt ngậm, vếch lên như mõm chó, không chắn bùn, chắn xích, lốp buộc khúc lồi khúc lõm như rắn cạp nong, poóc-ba-ga chằng một bó sắn tươi bọc lá cọ…”; hay Ngô Ngọc Bội “Đọc văn ông như thấy ông đang trèo cọ hom tàn, đang cuốc nương đồi sỏi…”, là bức tranh đau lòng và sinh động về hiện thực đói nghèo của dân tộc một thuở. Văn nhân nuôi sống mình bằng nỗi đam mê bằng ảo tưởng và cả sự suy sụp tinh thần tới tận cùng để làm văn nghệ. Tuy mang số phận và nhãn quan của thời đại mình sống, nhưng là thứ số phận và nhãn quan đã được thẩm lọc, nâng cao đẩy lên một chiều kích đủ lớn bảo đảm cho tính sáng tạo hội đủ năng lượng bùng nổ sản sinh nên tác phẩm đến với người đời.
Nếu như công trình nghiên cứu công phu “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan làm việc trên những mô hình và văn bản, “nói đến thân thế của nhà văn để đặt họ vào những tác phẩm, đem cuộc đời của họ mà đọ với những ý nghĩ của họ”, “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam[3]” của Xuân Diệu, hay “Hồn thơ thế kỷ[4]” của Anh Ngọc là những trang phê bình văn chương trào dâng cảm xúc với thơ, hay “Chân dung và đối thoại[5]” của Trần Đăng Khoa cố gắng dựng chân dung các nhà văn trong vài nét chấm phá thì “Miền lưu dấu văn nhân” của Nguyễn Tham Thiện Kế là sự tạc chân dung trong ý nghĩ, trong thịt da cuộc sống bên cạnh những sẻ chia cảm động đẫm ân tình, với cả những hiện diện âm thầm như cái bóng, giải mã họ trong sự giằng xé giữa những quan niệm về nhân tính, về văn hóa truyền thống để gắn liền lao động khổ nhọc của nhà văn dưới cái nhãn mác nhà văn. Một Trần Hoài Dương tất tả đón tác giả như đón người em trai từ Hà Nội lo lắng và che chở; một Đỗ Ngọc Thống, vị giáo sư tóc hoa râm hấp tấp tận tụy cầm dù che cho thầy, một Văn Công Hùng với đám trẻ bán hương và dịch vụ trước cửa Đền Hùng, là những cảnh phim quay chậm mới thương làm sao và lãng mạn làm sao! Cuối cùng thì “Văn chương, cơn cớ muôn thuở để người đến với người, người nhớ người và người xa người. Nó không là đích, cũng chẳng phải phương tiện mà là ánh xạ lòng trắc ẩn buồn vui mỗi thân phận…” (Đỗ Ngọc Thống và những đồng cảm).