Giới Thiệu Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam Quyển 1 – Linh Mục Nguyễn Hồng
Tử Trường Tư mã Thiên đã lưu danh vạn đại với nhân loại nói chung, và dân tộc Trung Hoa nói riêng, là nhờ bộ Sử ký bất hủ của ông.
Từ xưa tới nay, ai đọc bộ Sử ký cũng phải nhận chân giá trị sử khoa của nó. Tử Trường tiên sinh, ngoài cái thần trí thiên bẩm, đã hiến trót đời mình để sưu tầm, phân tách, tuyển lựa và hệ thống hóa tài liệu một cách khá khoa học. Chỉ nguyên nhìn vào việc : tiên sinh thân đi khắp chốn, đến tận nơi có sự kiện xảy ra để điều tra, sưu tầm những tài liệu chính xác, đã đủ làm tăng giá trị cho tác phẩm của Tiên sinh. Sử gia muôn thuở này còn có một đức tính tối quan trọng cho khoa chép sử : khách quan trước các tài liệu. Sử liệu có thế nào, Tiên sinh ghi chép như thế chứ không theo chủ quan phê phán một cách thiên lệch như nhiều sử gia sống trước Tiên sinh. Điểm nào tồn nghi thì để là tồn nghi chứ không hề võ đoán. Vấn đề nào có nhiều thuyết khác nhau thì kể cả ra để độc giả tự cân nhắc. Với bấy nhiêu đức tính cần thiết của một sử gia trên đây, cộng với giọng văn thành thực, đầy hùng khí, bộ Sử ký đã trở thành bất hủ và tên Tử Trường Tư mã Thiên còn lại mãi trong Sử vàng chói lọi chẳng những của riêng dân tộc Trung Hoa mà của cả nhân loại vậy.
Được hân hạnh đọc bản thảo cuốn Lịch sử Truyền giáo ở Việt Nam của Linh mục Nguyễn Hồng, kẻ cầm bút thiển cận này không thể không liên tưởng đến những đặc điểm của bộ Sử ký của Tư mã Thiên.
Thực vậy, Linh mục Nguyễn Hồng đã từ lâu năm hằng lưu tâm đến vấn đề Truyền giáo ở Việt Nam bằng cách tìm tòi thu tập tài liệu ở ngay trong nước. Nhưng tiếc thay, các tài liệu Truyền giáo thời sơ khởi ít còn lưu lại ở Việt Nam. Các tài liệu sống thì không còn, mà các sử liệu ghi chép thì phần lớn đã đưa sang Roma hay Ba-lê mất cả. Do đó, muốn viết một bộ Sử truyền giáo cho hoàn toàn đầy đủ với những tài liệu hiện có ở trong nước thì thực là khó. Nhưng bao giờ trời cũng phù người có chí : cha được xuất ngoại du học ! Thế là cha có đủ phương tiện để hoàn tất bộ sử. Bắt tay ngay vào việc bằng cách sưu tầm tài liệu khắp các bảo tàng thư viện của Thánh Bộ Truyền giáo của Dòng Tên ở Roma, lại qua Ba-lê vào thư viện Hội các cha Thừa sai Ba-lê để hoàn bị tác phẩm.
Với một chí kiên nhẫn, một lòng ham thích say sưa, với những nhìn xa thấy rộng của trời Âu, sau mấy năm trường tận tụy, cha đã hoàn tất bộ Lịch sử Truyền giáo ở Việt Nam, mà hôm nay, quyển thứ I trong bộ sử ấy, khiêm tốn ra mắt đồng bào Việt Nam.
Với những tài liệu chính xác, ghi chép một cách rất vô tư, hệ thống hóa một cách mạch lạc dưới ngọn bút trôi chảy, khúc triết và hùng kính, cuốn Lịch sử này có hi vọng làm thỏa mãn những đòi hỏi của toàn thể giáo hữu Công giáo Việt Nam. Hơn nữa, theo thiển kiến của kẻ hèn này, thì bộ Sử truyền giáo của Linh mục Nguyễn Hồng cũng sẽ không hổ thẹn khi nằm trên tay bất cứ một sử gia chuyên môn nào.
Nhưng trí một người có hạn, óc cá nhân có mức nên tác giả cũng như kẻ cầm bút viết mấy lời này vẫn thành thực thầm ước được nghe lời chỉ giáo của chư độc giả bốn phương.
Viết tại Cái Sắn Kênh
Quí Hạ năm Kỷ Hợi
Linh mục : MẬU HẢI