Giới Thiệu Lễ Hội Chuyển Mùa Của Người Chăm (Ngô Văn Doanh)
Như nhiều dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, người Chăm cũng có những lễ hội riêng của mình. Chính những lễ hội đó đã góp phần tạo cho bức tranh văn hóa truyền thống của người Chăm những sắc thái vừa rất độc đáo và cũng vừa rất Chăm. Giờ đây, chỉ cần nói đến những cái tên như Katê, Rija Nưgar, Chabun, Ramưwăn… là chúng ta hiểu ngay đó là những lễ tết riêng của người Chăm. Thế nhưng, bên cạnh những lễ hội lớn mà người Chăm gọi là các công lễ, hàng năm, trong cuộc sống và sinh hoạt của người Chăm, còn diễn ra rất nhiều những lễ hội và lễ thức tôn giáo lớn nhỏ khác. Khá nhiều những lễ hội của người Chăm đã trở thành những đối tượng nghiên cứu sâu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Và tôi cũng là một trong số các nhà khoa học đó.
Trong suốt nhiều năm qua, văn hóa Chăm nói chung và những lễ hội truyền thống của người Chăm nói riêng đã gắn chặt với cuộc đời khoa học của tôi. Tôi đã nhiều lần được tham dự và khảo cứu nhiều lễ hội của người Chăm. Thế nhưng, đối tượng nghiên cứu chính của tôi là những lễ hội đầu năm của người Chăm, một hệ thống lễ hội, mà theo chúng tôi, có những nét chung với hệ thống những lễ hội chuyển mùa của các dân tộc bản địa ở Đông Nam Á. Và công trình đầu tiên và cũng là kết quả đầu tiên của chúng tôi về vấn đề này là cuốn sách khảo cứu Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm (Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1998). Trong công trình này và nhiều bài nghiên cứu khác, chúng tôi đã chứng minh Rija Nưgar chính là lễ hội chuyển mùa đầu năm, là Tết năm mới của người Chăm. Chúng tôi cũng đã chứng minh, Rija Nưgar của người Chăm, về thực chất, có nhiều ít gần với những lễ Tết năm mới của nhiều dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Từ sau khi công bố cuốn sách Lễ hội Rija Nưgar…, tôi vẫn tiếp tục ấp ủ và đi sâu nghiên cứu tiếp hệ thống lễ hội chuyển mùa của người Chăm. Không ít những bài nghiên cứu của tôi về từng lễ hội chuyển mùa cũng như về từng yếu tố của những lễ hội đó của người Chăm đã được công bố trên các tạp chí khoa học. Giờ đây, sau một thời gian dài đi sâu nghiên cứu (chủ yếu là trên thực địa), chúng tôi đã hoàn thành công trình nghiên cứu của mình về cả một hệ thống những lễ hội chuyển mùa rất đặc trưng của người Chăm. Do tính chất và sự liên quan chặt chẽ của lễ hội Rija Nưgar với hệ thống lễ hội chuyển mùa, nên trong công trình mới này, Rija Nưgar vẫn được chúng tôi đề cập tới như một bộ phận cấu thành của cả một hệ thống. Chúng tôi xin dùng chữ và nghĩa của hai từ người Chăm “Bơl kakauk” chỉ khoảng thời gian chuyển mùa để làm tên gọi cho cuốn sách của mình.
Với sự ra đời của cuốn sách, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc của mình đối với đông đảo bà con người Chăm tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, đặc biệt là những ông, bà, anh, chị tại những làng quê mà tôi đã đến khảo cứu; đối với những anh chị em công tác trong Trung tâm Nghiên cứu cổ văn hóa Chăm Ninh Thuận, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Ninh Thuận và Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Thuận về tất cả những tình cảm và sự giúp đỡ to lớn đã dành cho tôi trong những năm qua. Cũng xin cám ơn Nhà xuất bản Trẻ tạo điều kiện cho tôi được ra mắt cuốn sách này.
Tác giả
PGS. TS. NGÔ VĂN DOANH