Giới Thiệu Lãnh Đạo Bằng Sự Khiêm Nhường
Lãnh Đạo Bằng Sự Khiêm Nhường không chỉ là một cuốn sách nữa của tôi viết về nghệ thuật lãnh đạo, mà còn là một cuốn sách mang nhiều tính cá nhân.
Tôi không phải là một tín đồ Công giáo, cũng không theo đạo Thiên chúa. Tôi là con cháu của những người sống sót qua nạn diệt chủng Holocaust. Cha tôi sinh ra tại Ba Lan và mất tất cả người thân dưới tay Đức Quốc xã. Câu chuyện kinh hoàng của ông đã được Tổ chức Shoah thu âm lại ‒ một tổ chức do đạo diễn lừng danh Steven Spielberg thành lập sau khi ông thực hiện bộ phim Danh sách của Schindler (Schindler’s List).
Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Frankfurt. Bà trở thành trẻ mồ côi khi chuyển tới Anh với hàng ngàn đứa trẻ khác trên chuyến tàu Kindertransport vào cuối năm 1938.
Tôi chưa bao giờ đề cập đến những điều này trong các cuốn sách khác của mình vì nó không phù hợp. Nhưng lần này tôi cảm thấy cần nói ra, vì đó chính là động lực lớn thôi thúc tôi viết nên cuốn sách này.
Cha mẹ tôi ‒ thành viên của những gia đình Do Thái sùng đạo ‒ đã bị cỗ máy giết người của Hilter gây tổn thương nghiêm trọng. Đối với họ, Thế chiến thứ hai chưa bao giờ kết thúc cả. Họ phải sống với những mất mát quá lớn cũng như từng chứng kiến và hứng chịu những hành động tàn bạo không có nhân tính.
Đã có vô số nghiên cứu về hệ quả của Holocaust đến thế hệ sau của những người sống sót. Đối với tôi, đó là nỗi sợ hãi mỗi khi rời khỏi căn hộ nhỏ ở Bronx ‒ cảm giác bất an trước những hiểm họa rình rập xung quanh. Tôi bị nhiễm suy nghĩ đó từ cha mình, Baruch Krames. Ông không tin tưởng bất kỳ ai sau hai năm trốn chạy phát xít.
Trong thời gian đó, ông đã phải sống như một con thú trong rừng, lấy trộm đồ ăn của nhà giàu để chia cho những người sắp chết đói tại khu Do Thái.
Những gì cha tôi trải qua và chứng kiến đã ám ảnh ông suốt cả cuộc đời. Ông đã tận mắt nhìn thấy người em trai của mình bị bắn khi ông và các anh trai chạy trốn khỏi lũ phát xít. Ông cũng đã nhìn thấy không chỉ một lần hàng trăm xác người Do Thái chồng chất trên những chiếc xe của quân đội Đức như vật liệu xây dựng trên công trường. Tất nhiên, tôi không phải chứng kiến những cảnh tượng đó nhưng chúng cũng hằn sâu trong tâm trí tôi.
Holocaust là chủ đề cho một cuốn sách khác nhưng tôi cảm thấy cần nói đến ở đây vì tôi luôn có thể cảm nhận sâu sắc nỗi đau của cha mẹ mình. Như thể tôi sinh ra trong một gia đình ma ‒ hồn ma những người thân đã mất của cha mẹ tôi dưới thời Hitler. Thế nên, tôi luôn trân trọng lòng tự tôn của người khác. Đó cũng là lý do tôi cực kỳ nhạy cảm khi ai đó xâm phạm những gì tôi coi là giá trị cốt lõi trong cá tính tạo nên con người mình.
Vậy tất cả những điều này có liên quan gì đến một cuốn sách nói về nghệ thuật lãnh đạo của Giáo hoàng Francis?
Một thời gian ngắn sau khi đảm nhận cương vị Giáo hoàng vào tháng 3 năm 2013, Francis nổi bật với hình tượng một người chống Hilter ‒ một người tôn trọng phẩm hạnh và đề cao con người bất kể màu da, tầng lớp, xuất thân.
Ông là lời đáp trả của thế kỷ XXI đối với tội ác diệt chủng từ thế kỷ XX.
Đoạn trích sau đây từ bài thuyết giảng nổi tiếng nhất của Giáo hoàng Francis đã nhấn mạnh điều này: “Điều răn ‘Chớ giết người’ đã khẳng định quan điểm bảo vệ giá trị cuộc sống con người. Ngày nay, chúng ta cũng phải ‘nói không’ với nền kinh tế đặc quyền đặc lợi và bất bình đẳng.”
Con số có thể cho thấy sự trái ngược giữa hai nhà lãnh đạo thế giới này. Hầu hết mọi người đều biết rằng Hitler đã giết hại hơn sáu triệu người Do Thái. Điều ít người biết là trong năm 2013, năm đầu tiên của Giáo hoàng Francis tại Rome, các sự kiện và các buổi lễ mi-xa của ông thu hút hơn sáu triệu người đến dự, rất nhiều trong số họ là người mới gia nhập hoặc vừa trở lại Giáo hội.
Có vô vàn bằng chứng về sự khiêm nhường và nhân văn của Giáo hoàng Francis. Trước khi trở thành Giáo hoàng, Tổng giám mục Jorge Mario Bergoglio1 thường ra ngoài vào ban đêm ở Buenos Aires để giúp đỡ người nghèo. Giờ đây, ở vị trí Giáo hoàng, ông giao phó cho một Tổng giám mục khác làm việc đó.
1 Tên thật của Giáo hoàng Francis.
Trước thời điểm diễn ra Mật nghị Hồng y và được lựa chọn làm Giáo hoàng, Bergoglio đã ở tại một nhà tập thể đơn sơ trong vùng. Trong bài thuyết trình với tư cách là Giáo hoàng mới, Francis quyết định không đứng trên bục phát biểu như những người tiền nhiệm. Thay vào đó, theo như Hồng y Timothy Dolan, ông đã nói, “Tôi đứng ở dưới này”.
Trong buổi tiệc sinh nhật 77 tuổi vào tháng 12 năm 2013, Giáo hoàng Francis đã mời bốn người vô gia cư đến dự sinh nhật. Đó không phải là cách để quảng bá hình ảnh như các chính trị gia thường làm mà bởi ông cảm thấy thoải mái nhất khi ở bên cạnh những người này.
Trong năm đầu tiên làm Giáo hoàng cũng như thời gian tại Argentina, Francis luôn thể hiện là một người khiêm nhường. Tuy nhiên, khiêm nhường không có nghĩa ông là một nhà lãnh đạo hời hợt. Giống như tất cả những nhà lãnh đạo nổi bật, ông có vô số công việc cần giải quyết. Trên thực tế, theo những phóng viên đã theo dõi Bergoglio nhiều năm, ông là một người luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội và chính trị. Ông cũng là một người có trí tuệ lớn nhưng ít được chú ý bởi lối sống khiêm nhường của mình.
“Ông không phải là một thiếu nữ ngây thơ bước vào thế giới”, Elisabetta Pique, một nhà báo Argentina quen biết Bergoglio từ những năm 1990 và là tác giả cuốn sách Francisco: Vida y Revolucion (Francis: Cuộc đời và cách mạng) đã miêu tả vấn đề ông phải đối mặt tại Rome, “Ông gần như đã phải chiến đấu với một bộ phận của Giáo triều Rome.2”
2 Giáo triều Rome là cơ quan điều hành trung ương, được Giáo hoàng trao quyền quản lý Thành quốc Vatican và phục vụ Giáo hội Công giáo hoàn vũ.
Một nhà báo khác đã sử dụng từ “không thương xót” để miêu tả cách điều hành của Francis.
Nhà báo Mark Binelli của tạp chí Rolling Stone viết rằng, “Bergoglio đã thể hiện mình là một người thi hành pháp luật có khả năng ra lệnh đầy uy lực để phục vụ mục đích cao cả hơn.”
Giáo hoàng Francis rõ ràng là một nhà điều hành sắc sảo. Ông đã loại bỏ một loạt lãnh đạo bảo thủ ra khỏi Giáo triều, những người có thể ảnh hưởng đến kế hoạch hành động của Giáo hoàng trong quá trình biến Giáo hội trở nên cởi mở và tập trung hơn vào việc đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của Giáo hoàng Francis, Về thiên đường và trái đất, lại được chấp bút cùng Abraham Skorka, một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng người Argentina và cũng là một người bạn của ông. Cũng chẳng ngẫu nhiên mà cuốn sách đó miêu tả việc Bergoglio và Skorka đã dành nhiều năm để “xây dựng cầu nối giữa Thiên chúa giáo, Do Thái giáo và thế giới nói chung.”
Với tư cách là Giáo hoàng, Francis thách thức những người bảo thủ cực đoan trong Giáo hội bằng cách mở lòng với những người mà các Giáo hoàng khác không bao giờ lưu tâm: Ông rửa chân cho tù nhân (bao gồm hai nữ tù nhân, việc này đã gây tranh cãi không nhỏ với những bậc trưởng lão trong Giáo hội; chưa từng có Giáo hoàng nào rửa chân cho phụ nữ); ông cũng đã ôm một người nhiễm trùng da, điều mà nhiều người không dám làm.
Việc Giáo hoàng ghét thói lãng phí và khoe khoang tài sản không có gì đáng ngạc nhiên, đặc biệt là đối với các giám mục, và ông thể hiện quan điểm của mình bằng hành động. Cuối năm 2013, Giáo hoàng Francis (tạm thời) “trục xuất” một giám mục người Đức bởi ông này đã trơ tráo sử dụng số tiền khổng lồ 31 triệu euro để xây dựng một ngôi nhà riêng bề thế. Một cuộc điều tra đã được thực hiện để quyết định tương lai của “vị giám mục treo” này. Cuối tháng 3 năm 2014, “vị giám mục treo” người Đức đã bị trục xuất khỏi giáo phận của mình vĩnh viễn.
Giáo hoàng Francis nhận thấy trong Giáo hội không có chỗ cho kẻ tiêu xài lãng phí, nhất là khi trên thế giới còn quá nhiều người nghèo đói. Giáo hoàng đã thể hiện cái nhìn của ông đối với vấn đề này:
Tại sao một người vô gia cư già cả chết đi thì chẳng ai bận tâm, nhưng thị trường chứng khoán mất hai điểm lại là tin tức thời sự cơ chứ?
Hình ảnh con người ông được gói gọn trong một câu nói. Giáo hoàng Francis cho chúng ta thấy thế giới đang đi chệch hướng và các giá trị bị đảo lộn. Kể cả cách lựa chọn tông hiệu ‒ lấy cảm hứng từ Thánh Francis thành Assisi ‒ cũng thể hiện với thế giới rằng ông sẽ tập trung vào tầng lớp người nghèo, cũng như những người bệnh tật và yếu đuối nhất trong xã hội chúng ta.
Thánh Francis thành Assisi sống vào đầu thế kỷ XIII và trở thành vị thánh bảo trợ của động vật và hệ sinh thái. Dù sinh ra trong gia đình giàu có, Thánh Francis đã từ bỏ tất cả những gì mình sở hữu kể cả quần áo để làm theo lời dạy của Chúa Jesus, “Không sở hữu vàng bạc hoặc đồng xu nào trong ví, không túi hành lý, không giày dép, không người tùy tùng.” Thánh Francis thành Assisi hẳn sẽ bằng lòng với Giáo hoàng Francis đương thời.
Tuy nhiên, lời nhận xét của Giáo hoàng về người vô gia cư và chỉ số chứng khoán Dow Jones là một thanh kiếm hai lưỡi: Ngoài việc tiết lộ đáng kể về Francis, nó cũng bộc lộ thách thức lớn nhất trong việc viết một cuốn sách về nghệ thuật lãnh đạo xoay quanh nhân vật đặc biệt này.