Kinh tế và triết học xã hội chủ nghĩa

Kinh Tế Và Triết Học Xã Hội Chủ Nghĩa

Giới Thiệu Kinh tế và triết học xã hội chủ nghĩa

Bấy giờ vào khoảng cuối năm 1937; hơn một năm qua, tôi được bổ dạy những lớp lớn trường Bưởi sắp đi thi ” bằng tú tài ”. Tuy công việc khá nặng nề, nhưng tôi cũng để một ít thời giờ tới thăm Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp ở Hà Nội, vì muốn làm quen ” cụ Tố “, là một nhân vật có một không hai ở đây. Tuy là một tay tây học nổi tiếng, nhưng cụ vẫn áo dài quần trắng, khăn xếp giày đen như một thầy khóa thời xưa. Bởi là người bản xứ, cụ chỉ giữ một chức nhỏ, nhưng hầu hết các viên chức Pháp ở đây cần tới cụ trong khi làm việc trường hay khảo cứu. Vì vậy ai cũng kính nể cụ. Vả đối với hàng trí thức ta, cụ lại là trưởng Hội Trí Tri, có hội quán, có thư viện, và đại đa số nhân viên là công chức tai mắt xứ Bắc Kì. Bởi những lẽ ấy, không những cụ được mọi người trọng, mà ảnh hưởng xã hội của cụ đang thời cũng không ít.Một hôm gặp tôi, cụ liền hỏi : « Họ đã mời ông vào hội chưa ? ». Tôi đáp : « Chưa. Thực tôi rất bận dạy toán, không thể nhận vào Hội Trí Tri của cụ được.». Cụ cười và nói : « Có phải tôi muốn nói hội trí tri đâu ! Tôi muốn nói Hội truyền bá quốc ngữ. Tôi tưởng ông đã biết chuyện rồi. ».Lần đầu nghe nói đến tên hội này, tôi lấy làm ngạc nhiên, rồi đáp : « Không ai mời tôi cả. Vả chăng ngày nay ai mà chẳng học quốc ngữ; thì lập hội làm gì ? Hoặc quốc ngữ đây nghĩa là tiếng ta. tiếng và văn Việt ngữ ? Lập hội với mục đích ấy cũng tốt, vì ngày nay ai cũng muốn nói tiếng tây cho thoáng, chứ không hiểu đúng tiếng ta, đến đỗi hạng lầm hiểu rằng ”yếu điểm” là điểm yếu, ngày càng nhiều.».Cụ để tôi nói dài mới ngắt lời, rồi đáp : « Truyền bá quốc ngữ là truyền bá cách viết tiếng ta bằng những chữ la-tinh A, B, C. ».Tôi im lặng. Nhân lúc ấy, ông Trần Văn Giáp, cũng nhân viên trường Bác Cổ, thấy tôi, liền ghé lại chào. Nghe câu chuyện giữa cụ Tố với tôi ông bảo riêng tôi rằng : «Tôi cũng muốn gặp ông để nói chuyện ấy. Đây là bởi một nhóm chú ý vào hành vi xã hội, đề xướng ra. Họ muốn lập những lớp bình dân dạy chữ quốc ngữ cho các em bé thất học và những người đứng tuổi mù chữ nhà nghèo. Họ muốn những người có danh nhưng “vô chính trị”, như cụ Tố và chúng ta, đứng ra xinphép, thì may chi tòa thống sứ và sở mật thám mới cho phép. Sau khi được thành lập, hội lại phải quyên tiền để mua bút giấy cho học trò. Tụi mật thám rất sợ điều này, vì chúng nghi mình dùng tiền làm chính trị. Ông Nguyễn Hữu Đang, một chân trong nhóm sáng lập, có trách nhiệm liên lạc với các trí thức thiện chí. Ông ấy nhờ tôi hỏi ông có nhận giúp không.».Rồi tôi gặp các bạn giáo sư trường Bưởi như các anh Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Nguyễn Mạnh Tường, cũng đã được chạm ướm. Tôi nhận lời mời, nhưng Trần Văn Giáp cho tôi biết rằng tòa thống sứ kiếm chuyện để ngăn hội thành lập, lấy lẽ rằng không cần lập hội, vì ngày nay quốc ngữ đã được truyền bá rồi, và ngoài chữ Pháp, người ta chỉ dùng chữ quốc ngữ mà thôi. Cuối cùng, phải đổi tên hội ra « Hội truyền bá học chữ quốc ngữ » thì phòng chính trị mới cho phép lập. Nhưng phải nói thêm rằng bên Pháp bấy giờ còn có ảnh hưởng Phong trào bình dân (Front populaire), cho nên chính quyền thuộc địa cũng phải cởi mở ít nhiều.

Vì rất bận việc dạy toán, tôi không tới dự các buổi hội đồng, chỉ nhờ Trần Văn Giáp thay mặt và báo tin. Ảnh cho tôi hay rằng cụ Nguyễn Văn Tố đã được bầu làm hội trưởng, và Nguyễn Hữu Đang, Trần Văn Giáp và tôi được bầu vào ban tu thư. Tôi ngỏ ý với Trần Văn Giáp về việc soạn quyển sách dạy vần quốc ngữ. Đại ý như sau : « Lối dạy và lối học của hội ta không cần theo lối chính qui của các sách và các nhà trường. Mục đích ta là muốn học cho dễ, cho biết đánh vần chóng, biết viết chóng. Mục đích là làm sao cho trẻ con hoặc người đứng tuổi học không sợ khó, không hay quên, lại lấy học làm vui thích. Ta cũng nên vừa dạy đánh vần vừa khiến cho học trò, nhất là những người lớn tuổi, hiểu sự cơ động các vần.». Sau khi tôi đề nghị mấy mục đích trên, Trần Văn Giáp và Nguyễn Hữu Đang giao cho tôi hoàn toàn trách nhiệm soạn sách tập đọc, tuy các ảnh cũng chưa hiểu rõ tôi muốn thực hiện ý gì.

Tôi bèn tự đặt một số nguyên tắc giản dị trong nghề dạy: là dạy từ dễ đến khó, từ đơn đến tạp, dùng đủ các cơ quan tai, mắt, tay để tri thức dễ hấp thụ và giữ bền. Những nguyên tắc ấy như sau :

1) Không tách rẽ sự dạy các chữ cái rồi mới dạy đánh vần.

2) Khi dạy chữ cái, thì dạy lẫn lộn chữ vần bằng (phụ âm) và chữ vần trắc (nguyên âm), vì nếu dạy như vậy, thì khi mới học một chữ vần bằng và một chữ vần trắc, học trò đã có thể ghép lại thành vần, và phân tích để hiểu cơ cấu và cơ động của vần.

3) Gọi các chữ cái vần bằng B, C, D … là Bờ, Cờ, Dờ… thay Bê, Xê, Dê… theo xưa. Làm như vậy thì đánh vần mới hợp lí cho các chữ C, G, H, X; kẻo ví dụ đánh vần « XÊ A là CA» là không thuận, vì nó phải là « XA » Gọi thẳng các vần bằng kép : Gi là Giờ, KH là Khờ, NG là Ngờ, NH là Nhờ, PH là Phờ, GU là Quờ, TH là Thờ, TR là Trờ.

4) Khi đánh những vần gồm hai phần (phụ âm đơn hay kép trước một nguyên âm, hoặc hai hoặc ba nguyên âm hỗn hợp thành một nguyên âm kép, nguyên âm đơn hay kép trước phụ âm đơn hay kép) thì bắt đầu đọc hai hoặc ba phần rời và mạnh như nhau, rồi dần dần vừa đọc díu lại, vừa đọc bé phần sau đi, vừa lắng tai nghe đã thành tiếng gì.

5) Về dạy viết, thì bắt đầu chọn những chữ dễ viết cho những ngón tay chưa từng cầm bút ; và có thể chỉ dùng ngón tay vẽ hình chữ nhiều lần cho nhớ. Hoặc dùng bút chì viết trước khi dùng bút sắt. Vì lẽ ấy tôi đã bắt đầu sách bằng hai chữ I, Tờ, vốn là hai chữ gọn gàng nhất trong vần. Tôi lại muốn, lúc mới vào học, học trò không nản lòng. Cho nên tôi đã đặt một ít câu vè, phần để làm vui, phần để làm cho dễ nhớ mấy chữ học vỡ lòng. Ví như :

I Tờ hai móc cả hai

I ngắn có chấm, Tờ dài có ngang.

O tròn như quả trứng gà

Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu.

6) Không đợi học hết những chữ cái mới học các dấu biến thanh. Học như vậy thì mới học ba buổi, mà đã ghép thành nhiều tiếng với I, T, O, Ô, Ơ và năm dấu. Tôi cũng đã đặt hai vế lục bát để dễ nhớ các dấu biến thanh ấy :

Huyền ngang, Sắc dọc, Nặng tròn

Hỏi lom khom đứng, Ngã… buồn nằm ngang !

Đó là luật âm thanh thuận miệng thuận tai. Cứ đọc đi đọc lại nhiều lần thì thấy luật đọc dấu.

7) Để dành lại cuối cùng những vần ngoại lệ đơn và kép K, GH, NGH trước những nguyên âm E, Ê, I thì chỉ cần học : K đọc Cờ như C, GH đọc Gờ như G, NGH đọc Ngờ như NG. Chữ GI đọc Gi. Lại giảng thêm rằng hễ có sự ngoại lệ rắc rối ấy, là bởi vần quốc ngữ được đặt ra bởi những giáo sĩ Bồ Đào Nha dựa theo vần của họ. Sau này, khi ta có dịp, ta sẽ cải cách cho nhập lệ hơn.

Với những nguyên tắc trên, tôi đã thảo quyển vần ” Truyền bá quốc ngữ “. Các người trong ban tu thư chấp thuận rồi đem in, và phát cho các hội viên giảng dạy. Tôi còn nhớ bấy giờ cần nhiều tiền, phần để in sách, phần để mua bút giấy phát không cho thầy giáo và học trò

Ban tài chính rải khắp Hà Nội, lạc quyên những người hằng sản hằng tâm, hoặc tiền, hoặc đồ vật. Một nhóm phụ nữ hăng hái (các bà Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Đức Thụ, Trần Bảo Sơn, Phạm Thị Huệ, Trịnh Thị Vân, Nguyễn Thị Tuyên, Nguyễn Thị Bính…) đã mấy lần tổ chức buổi ” đấu giá ” ở hội quán Hội Khai Trí Tiến Đức tại bờ Hồ. Nhiều thanh niên, thanh nữ tình nguyện dạy những lớp tối cho trẻ em nghèo, những lao động nam nữ thất học, tụ họp tại một vài nơi, như hội quán Trí Tri, chợ Đồng Xuân, trường Sinh Từ và một số đình chùa. Nhờ vậy, phong trào truyền bá quốc ngữ rất sôi nổi mấy năm đầu và đã có thể lập chi nhánh ở một vài nơi mà chính quyền cho phép lập.

Tôi đã kết thúc quyển vần bằng một bài tập đọc có tính cách tổng quát. Tôi đã cố ý trừ sự nghi kị của sở mật thám mà chọn một bài gia huấn của ông tôi ( ”Xuân đình gia huấn ” của Lê Kinh Thạp), bắt đầu như sau :

Sinh con trai gái đôi hàng

Mẹ nuôi cha dạy chăm thương đủ bề

Chữ rằng ” Hữu phúc khán nhi ”

Có con không dạy bởi gì mà nên …

Hồi bấy giờ có kẻ làm việc kiểm duyệt chính trị đã nói đến tai tôi rằng : « Họ đã biết tác giả quyển sách vần là ông. Họ thấy sách lạ, họ ngạc nhiên. Họ đã xét kĩ càng, nhưng không thấy dấu gì là tuyên truyền chính trị. Tuy vậy, họ vẫn nghi ngờ và theo dõi nhân viên hội.».

Sự thử thách tổ chức hội và phương pháp dạy ở Hà Nội có kết quả lớn, nhưng chính quyền không để bành trướng cụ thể nhiều. Tuy nhiên, phương pháp ” I Tờ ” được nhiều nơi biết đến. Thậm chí có những kẻ không thức thời chế những người ít học là kẻ ” i tờ ”.

Sau ngày chính quyền Pháp bị Nhật quân triệt hạ, nhất là sau khi nhân dân ta tự chủ nắm trách nhiệm xóa nạn mù chữ cho toàn quốc thì phong trào mở lớp học bình dân, dạy vần quốc ngữ theo phép ” I Tờ ” bùng nổ từ thành thị cho đến thôn quê.
Hơn bốn mươi năm sau khi phong trào ấy ra đời, tôi ở đất người, còn được nghe kể một câu chuyện vừa cảm động vừa buồn cười, có liên quan đến hai tiếng ” I Tờ ” kia.

Có người phụ nữ, quê ở miền trong, nghe nói tôi là tác giả những câu vè ” I Tờ ” cô ta nhắc lại những câu hát của trai gái ghẹo đùa nhau, nghe khi cô còn bé :

Trai : « Ai về Chợ Viễn, Khánh Vân

« Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa.»

Gái : « Đánh vần năm ngoái năm xưa

« Năm nay quên hết như chưa học vần. »

Trai : « Bây giờ có lớp bình dân

« I Tờ ghép lại đánh vần như chơi ! »

Gái : « Bình dân ! Khổ lắm anh ơi !

« Không đi thì dốt, đi thời… bụng… T… O…» *

Phụ bút : Trên đây tôi viết theo kí ức, vì nguyên bản vần đã mất từ lâu. Trong bản, tôi có viết bài tựa mang đại ý phương pháp bày trên. Tôi sợ trong bài trên có điều khác trong bài tựa. Tôi không biết nay còn bản in lần đầu sách tôi đã soạn ở đâu không. Nếu còn thì tôi mong có một bản ảnh sao để làm kỉ niệm.

Hoàng Xuân Hãn

Chữ quốc ngữ – Sự hình thành, phát triển và những đóng góp và văn hóa Việt Nam

Ngày 3.10.2015, tại Núi Thơn – An Phú – Tp. Tuy Hòa – Phú Yên, đã diễn ra “Hội thảo khoa học: Chữ quốc ngữ – sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam” do ba đơn vị đồng tổ chức: Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, Trường Đại học Phú Yên, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông.

Phú Yên được chọn làm nơi hội thảo bởi nhiều nguyên do: Cùng với khoảng thời gian khai sinh chữ quốc ngữ năm 1615, tỉnh Phú Yên được xác định là được thành lập năm 1611; Hội An – Thanh Chiêm, Bình Định (Nước Mặn), Qui Nhơn, Phú Yên… được xem như là cái nôi hình thành chữ quốc ngữ. Hơn nữa, ấn phẩm bằng chữ quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày” của cha Alexandre de Rhodes được in tại Rôma năm 1651, hiện vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng (được xây dựng vào năm 1892), tại xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Nội dung của hội thảo bao gồm:

– Chữ quốc ngữ và vấn đề ghi tiếng Việt trong các văn bản quốc ngữ thời kỳ đầu, tình hình nghiên cứu các văn bản quốc ngữ cổ.

– Những đóng góp vào văn hóa Việt Nam của chữ quốc ngữ qua các thời kỳ và tiến trình hiệu chỉnh chữ quốc ngữ trong bốn thế kỷ qua.

– Vấn đề xây dựng chuẩn mực chữ viết và việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua chữ viết, nhằm góp phần phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tham dự hội thảo có hơn 100 nhà khoa học bao gồm các giáo sư, các nhà nghiên cứu, các giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh,… thuộc các trường, các viện, hội ngôn ngữ,… trong cả nước. Phía Công giáo, Hội thảo có sự tham dự của linh mục Võ Đình Đệ (Giáo phận Qui Nhơn) và nữ tu Bùi Thị Minh Thùy (Hội dòng Đa Minh Rosa Lima). Ngoài ra, còn có linh mục Nguyễn Hai Tính (Dòng Tên) gởi bài tham luận đóng góp cho hội thảo. Hơn 100 bài tham luận được gởi về trước cho ban tổ chức, một số bài được chọn đọc trong hội thảo, một số khác sẽ in trong kỷ yếu phát hành sau hội thảo. Hội thảo xoay quanh ba vấn đề:

1. Sự hình thành chữ Quốc Ngữ

Các nhà khoa học, mặc dù không nói ra nhưng dường như tất cả đều công nhận rằng: Nếu không có đội ngũ các Giáo sĩ châu Âu tận tâm và đầy sáng tạo trong sứ vụ truyền giáo của mình, thì mẫu tự của chữ Việt chắc vẫn là mẫu chữ vuông vốn có của chữ Nôm, chứ không thể là mẫu tự Latinh với nhiều ưu điểm mà chúng ta được thừa hưởng như bây giờ. Công lao của các vị đã sáng tạo nên chữ quốc ngữ là điều không thể phủ nhận. Từ ban đầu, chữ quốc ngữ chỉ được xem là công cụ truyền đạo đắc lực và hiệu quả của các nhà truyền giáo. Các vị ấy là những nhà truyền giáo tâm huyết chứ không phải là những nhà ngôn ngữ học đi điền dã. Mặt khác, vào thời kỳ mà các vị đến truyền giáo, ngôn ngữ học chưa phát triển như bây giờ, nên việc ghi âm bằng chữ quốc ngữ giai đoạn đầu nhiều khi còn chưa thống nhất mà hậu quả vẫn còn đọng lại trong chữ quốc ngữ ngày nay.

Sự hình thành chữ quốc ngữ là công của nhiều người: Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine, Taberd…, và đặc biệt là của cộng đồng giáo dân Công giáo Việt Nam thời bấy giờ. Chính cộng đồng này là lực lượng duy nhất trong một thời gian khá dài sử dụng thành quả của các nhà xây dựng và hoàn thiện chữ quốc ngữ, do đó chính họ là những người “thẩm định” và bổ túc cho sự hoàn thiện như chúng ta có ngày nay. Mặc dù tên tuổi cụ thể của những giáo dân Việt Nam không được ghi chép một cách rõ ràng, nhưng họ đã có vai trò quan trọng trong sự kiện ngôn ngữ quan trọng này của dân tộc Việt Nam.

Xét trên phương diện khoa học, việc vinh danh công lao của những con người này như dân tộc ta đã làm đối với các nhà khoa học vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam, theo chúng tôi là một việc làm mang tính đạo lý và phù hợp với truyền thống nhân văn của người Việt”.

2. Sự phát triển của chữ quốc ngữ

Từ khi hình thành cho đến một thời gian dài sau đó, chữ quốc ngữ chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam, ngoại trừ được sử dụng trong cộng đồng Công giáo. Lý do là vì triều Nguyễn không có thiện cảm với thứ chữ các nhà truyền giáo sáng tạo ra. Cho tới khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, với các công văn quy định buộc phải sử dụng chữ quốc ngữ, từ đó loại hình chữ viết này mới được lên ngôi. Trước tiên, tại Nam Kỳ, Phó Đề đốc De Lagrandière đã bãi bỏ Hán học và mở trường dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Năm 1882, nhà cầm quyền còn ra những nghị định bắt buộc dân phải dùng chữ quốc ngữ trong mọi công văn giấy tờ.

Sang đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ không chỉ được thừa nhận mà còn được lan rộng qua các phong trào cổ động cho việc lựa chọn chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán và chữ Nôm diễn ra trong khắp cả nước do các sĩ phu, trí thức hưởng ứng. Các tên tuổi có đóng góp cho sự phát triển của chữ quốc ngữ như: Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh… Nguyễn Văn Vĩnh khuyến khích mọi người đề cao việc học chữ quốc ngữ đã nói: “Chữ quốc ngữ là hồn của nước”, “nước ta sau này hay dở đều ở chữ quốc ngữ”.

Sau đó, năm 1917, vua Khải Định ra lệnh bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán. Năm 1932, vua Bảo Đại ra quyết định dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán. Năm 1938, Hội truyền bá chữ quốc ngữ ra đời, nhờ hội này sự phổ biến chữ quốc ngữ nhanh chóng đến với quần chúng.

Đặc biệt, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 8.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh chống mù chữ, bằng việc học chữ quốc ngữ. Từ đây, chữ Hán và chữ Nôm mất đi địa vị của mình, chữ quốc ngữ chiếm địa vị độc tôn trong xã hội Việt Nam.

Như vậy có thể nói, sự phát triển của chữ quốc ngữ một phần là do nó phù hợp với lịch sử, nhưng phần khác lớn hơn là do tính ưu việt so với các hình thức chữ có trước đó tại Việt Nam. Nếu trước đó với loại chữ Hán, chữ Nôm – một loại chữ rất khó học – dân Việt Nam có đến 98% người mù chữ, thì nay với chữ quốc ngữ tình thế đã hoàn toàn đảo ngược lại, tức số người biết chữ là 98% và số người mù chữ chỉ bằng số người biết chữ thời bấy giờ. Ưu thế này đã khiến chữ quốc ngữ phát triển nhanh và gần như hoàn thiện chỉ trong vòng một thế kỷ đầu.

3. Những đóng góp của chữ quốc ngữ vào văn hóa Việt Nam

Trong báo cáo toàn văn được đọc tại Hội thảo, GS TS Nguyễn Thiện Giáp đã nêu lên vai trò của chữ quốc ngữ như sau:

– Chữ quốc ngữ là cơ sở để mở rộng chức năng của tiếng Việt, nó vươn lên thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Nó được dùng trong hành chính, ngoại giao, giáo dục. Nó là công cụ bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam.

– Chữ quốc ngữ là cơ sở để tiếng Việt phát triển. Về mặt từ vựng, chữ quốc ngữ đã giúp tạo ra những từ mới nhằm hỗ trợ việc diễn đạt tư duy trong chiều sâu và đỉnh cao của nó. Về ngữ pháp, dấu chấm câu mà chữ quốc ngữ du nhập vào Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc sáng tạo các câu văn viết một cách sáng sủa, mạch lạc…, điều mà chữ Nôm trước đây không có. Chữ quốc ngữ đã giúp diễn đạt tư duy logic, thể hiện những tư tưởng khoa học cách trọn vẹn hoàn hảo. Về mặt âm, chữ quốc ngữ giúp xác định chính âm cho tiếng Việt, tạo sự thống nhất chữ viết trong toàn lãnh thổ Việt Nam, cho dẫu Việt Nam có nhiều phương ngữ và nhiều dân tộc thiểu số.

– Chữ quốc ngữ là cơ sở để phát triển nền quốc học lên một tầm cao mới. Căn cứ vào di sản Hán Nôm Việt Nam5, chúng ta chỉ có vỏn vẹn 5038 quyển, trong đó có những quyển trùng nhau, nhiều quyển không mấy giá trị… Nếu làm một cuộc so sánh với nền quốc học được ghi bằng chữ quốc ngữ hiện nay, thì dù chỉ trong một thời gian ngắn, chữ quốc ngữ đã vượt hẳn và làm cho nền quốc học phong phú biết chừng nào.

Mặc dù chữ quốc ngữ đã tạo nền cho tiếng Việt phát triển đến đỉnh cao, nhưng tiếng Việt vẫn không được gọi là “ngôn ngữ quốc gia”, mà các văn bản của nhà nước chỉ gọi tiếng Việt và chữ quốc ngữ là tiếng và chữ phổ thông. Mãi cho đến Hiến pháp năm 2013, trong điều 5 mới xác định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”, và điều này khiến chúng ta hiểu ngầm rằng “chữ quốc ngữ là chữ biểu thị ngôn ngữ tiếng Việt sẽ là chữ quốc ngữ với nghĩa đầy đủ và trọn vẹn của nó”.

Lời kết

Với lịch sử 400 năm hình thành, vận động và cải tiến, chữ quốc ngữ đã trở thành tinh thần, linh hồn của dân tộc Việt. Lời tri ân sâu nặng dành cho các nhà truyền giáo tâm huyết đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ vẫn còn mãi. Tâm tình ghi nhận và hiểu thấu vai trò của cộng đồng Công giáo thuở ban đầu vẫn đậm nét trong sử sách Việt Nam. Tính linh hoạt và bảo tồn văn hóa chúng ta có được, phải kể đến đó là địa vị ổn định và độc tôn của chữ quốc ngữ, việc trở lại với chữ Hán, chữ Nôm mà đôi khi ta vẫn còn nghe thấy hiện nay là không còn phù hợp.

Tinh thần của hội thảo là xây dựng với kỳ vọng cải tiến tốt hơn nữa để tiếng nói, chữ viết của dân tộc có vị trí xứng tầm trong tương quan với các ngôn ngữ khác trên thế giới. Việc viết không thống nhất, không đúng chính tả và hiện tượng sử dụng chữ viết lệch chuẩn khá phổ biến không chỉ trong nhà trường, mà còn trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay, theo các nhà khoa học là một điều đáng báo động. Cần có những biện pháp ứng xử phù hợp.

Nt Minh Thùy, dòng Đa Minh Rosa de Lima

_______________________________________________________

1 GS TS Trần Trí Dõi, “Giáo trình lịch sử tiếng Việt”, Nxb GDVN, 2011. Trang 254 – 255.

2 PGS TS Võ Xuân Hào, Trường Đại học Quy Nhơn (Bài phát biểu tại Hội thảo).

3 Phạm Văn Sơn, Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945), trang 390.

4 Phạm Trọng Báu, Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb Giáo dục, 2006, trang 51-52.

5 Di sản Hán Nôm Việt Nam, thư mục đề yếu do Viện Hán Nôm biên soạn với sự cộng tác của nhóm học giả Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993.

Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của chúng ta Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là một học thuyết nghiên cứu bản chất, điều kiện giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động khỏi sự áp bức bóc lột của giai cấp tư sản, do đó từ khi ra đời đến nay luôn bị các thế lực thù địch chống đối quyết liệt. Thời gian gần đây, lợi dụng việc Ðảng ta lấy ý kiến toàn dân đóng góp Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng, một số phần tử cơ hội và thù địch đã phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Sự sai trái của những luận điệu đó là ở chỗ nào?Thứ nhất, có ý kiến cho rằng chủ nghĩa Mác – Lê-nin ra đời từ giữa thế kỷ 19 trong điều kiện văn minh công nghiệp cơ khí, do đó đã trở thành lạc hậu. Ý kiến này không đúng trên cả hai phương diện. Về mặt thời gian, một học thuyết còn giá trị hay không, không phụ thuộc vào thời gian xuất hiện. Nhiều phát minh khoa học từ thời kỳ cổ đại đến nay vẫn có giá trị đối với sự phát triển của loài người. Về cơ sở kinh tế – chính trị – xã hội, chủ nghĩa Mác – Lê-nin ra đời trên cơ sở nền công nghiệp hiện đại, một nền sản xuất với kỹ thuật hiện đại, xã hội hóa ngày càng cao theo xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa tạo ra năng suất lao động cao và tăng lên rất nhanh. Nền công nghiệp hiện đại phát triển qua ba quá trình và sự đan xen gắn kết của ba quá trình đó trong một chỉnh thể. Ðó là cơ khí hóa, điện khí hóa và tự động hóa. Giai cấp công nhân vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp hiện đại do đó là lực lượng sản xuất cơ bản của thời đại ngày nay.Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay các văn bản chính thức của quốc tế và quốc gia vẫn dùng khái niệm công nghiệp. Nhóm G7 được gọi là nhóm các nước công nghiệp phát triển, tiếp đến nhóm các nước công nghiệp mới, còn hơn 100 nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.Cùng với quá trình xã hội hóa sản xuất là quá trình dân chủ hóa trong chính trị và công bằng hóa trong xã hội. Ðó là những quá trình phát triển khách quan của nhân loại, mà chủ nghĩa tư bản không thể thực hiện triệt để được các quá trình này. Vì vậy, loài người nhất định sẽ tiến tới một xã hội tiến bộ hơn, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu của nó là xã hội xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin không lạc hậu như một số người đã rêu rao.Loại ý kiến thứ hai cho rằng, từ giữa thế kỷ thứ 20 đến nay, thế giới đã thay đổi quá nhiều nên chủ nghĩa Mác – Lê-nin cũng cần phải bổ sung, phát triển. Ðây chính là luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin nhưng đã bị lợi dụng với ý đồ đòi từ bỏ và đoạn tuyệt với chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Ở Việt Nam cũng có câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin cũng có “Cái bất biến” và “cái vạn biến”.

Cái bất biến là “chủ nghĩa tư bản nhất định được thay thế bằng chủ nghĩa cộng sản và người có vai trò thực hiện bước thay thế ấy là giai cấp công nhân mà Ðảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân lãnh đạo”. “Cái vạn biến” là hình thức, bước đi của quá trình đó ở những giai đoạn khác nhau, các dân tộc khác nhau sẽ diễn ra rất khác nhau (phong phú, đa dạng) do đặc điểm về lịch sử, kinh tế, văn hóa của dân tộc đó quy định. Lê-nin nói “Các dân tộc đều đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản (cái bất biến), nhưng mỗi dân tộc đều đem theo đặc điểm của dân tộc mình vào quá trình đó (cái vạn biến)”.

Loại ý kiến thứ ba cho rằng, ở Việt Nam chỉ cần nói tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nói chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Quan điểm này mới nghe có vẻ hợp lôgic. Song thực chất là ra vẻ đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin là bỏ cái gốc cốt yếu nhất, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin là gốc, là cốt của Ðảng. Họ còn cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin chỉ nói về giai cấp và đấu tranh giai cấp, do đó, các đảng theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã thất bại, còn tư tưởng Hồ Chí Minh đề cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc, do đó Việt Nam thành công.

Ðể luận chứng cho quan điểm này họ thường viện dẫn hiện tượng “chuyên chính vô sản” dưới thời Pol Pot ở Cam-pu-chia hoặc trích khẩu hiệu có xu hướng tả trong thời kỳ Xô-viết – Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931. Thật ra tập đoàn Pol Pot mượn khái niệm Ðảng Cộng sản, chuyên chính vô sản trong chủ nghĩa Mác – Lê-nin để thi hành chính sách diệt chủng, diệt dân tộc chứ không có gì thuộc nội dung và hình thức đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Khẩu hiệu trong thời kỳ Xô-viết – Nghệ Tĩnh 1930 – 1931 chỉ là biểu hiện tả khuynh trong chủ trương ở một thời kỳ cụ thể, ở bộ phận những người cộng sản cụ thể đã xuất hiện trong phong trào cộng sản quốc tế mà Lê-nin đã phê phán, đó là loại bệnh “Bệnh ấu trĩ tả khuynh”. Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống giai cấp tư sản thống trị bóc lột có ba nội dung. Ðấu tranh kinh tế, đấu tranh chính trị và đấu tranh tư tưởng lý luận.

Cả ba nội dung nói trên đều là cơ bản, có vị trí quan trọng như nhau, nhưng tùy điều kiện cụ thể mà nội dung nào đó nổi lên như nội dung cơ bản hàng đầu. Thí dụ, khi chưa có chính quyền, nội dung đấu tranh chính trị mà đỉnh cao là cách mạng chính trị là nội dung cơ bản hàng đầu. Trong “Tuyên ngôn Ðảng Cộng sản”, Mác và Ăng-ghen đã viết: “giai đoạn thứ nhất của cuộc cách mạng công nhân là giành lấy dân chủ, giành lấy chính quyền nhà nước.

Khi đã có chính quyền thì nội dung đấu tranh kinh tế là nội dung cơ bản hàng đầu thể hiện ở nhiệm vụ xây dựng và phát triển một phương thức sản xuất mới cao hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; rằng xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quyết định cho thắng lợi của một trật tự xã hội mới, do đó chuyên chính vô sản không chỉ là bạo lực và cũng không phải chủ yếu là bạo lực, mà chủ yếu là tổ chức và xây dựng, trong đó xây dựng kinh tế là nội dung quan trọng nhất. Ðó là thực chất và sức mạnh của chuyên chính vô sản. Cũng có thời kỳ cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận là nội dung cơ bản hàng đầu. Thí dụ những năm đầu thế kỷ 20, khi mà khuynh hướng sùng bái tính tự phát trong phong trào công nhân, sùng bái chủ nghĩa kinh tế chi phối tiêu cực phong trào cách mạng Nga, thì Lê-nin đã coi nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng lý luận là nhiệm vụ hàng đầu. Lê-nin đã viết một loạt bài với tiêu đề “Bắt đầu từ đâu” đăng trên báo Tia lửa, trong đó Lê-nin nêu bật vai trò của hệ tư tưởng lý luận với luận điểm nổi tiếng, không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng; rằng chỉ có một đảng nào có lý luận tiên phong soi đường thì mới làm tròn vai trò của chiến sĩ tiên phong.

Chủ nghĩa Mác – Lê-nin không chỉ nói đến giai cấp và đấu tranh giai cấp. Khi phân tích quá trình cách mạng của giai cấp công nhân, Mác và Ăng-ghen đã chỉ ra rằng giai cấp công nhân mang bản chất quốc tế, nhưng vẫn có tính chất dân tộc. Vì giai cấp công nhân ở mỗi nước trước hết phải thanh toán giai cấp tư sản ở nước mình, phấn đấu trở thành dân tộc, xây dựng mình thành giai cấp dân tộc. Luận điểm trên thể hiện rõ sự nhận thức sâu sắc của Mác và Ăng-ghen về sự thống nhất giữa giai cấp công nhân và dân tộc.

Phát triển quan điểm của Mác và Ăng-ghen trong điều kiện mới khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, vấn đề dân tộc trở thành vấn đề dân tộc thuộc địa…, Lê-nin đã viết nhiều bài chính luận về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đặt trong mối quan hệ với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân, trong đó có Cương lĩnh dân tộc với ba nội dung: Các dân tộc có quyền bình đẳng, các dân tộc có quyền tự quyết, đoàn kết công nhân và các dân tộc lại. Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê-nin cũng bắt đầu từ lý luận về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc qua tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam với tinh hoa văn hóa nhân loại và chủ nghĩa Mác – Lê-nin, trong đó chủ nghĩa Mác – Lê-nin nâng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lên một chất mới. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới và dân tộc Việt Nam đi vào quỹ đạo của thời đại mới, được mở ra từ cách mạng Tháng Mười Nga. Do đó, cùng với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Ðảng Cộng sản Việt Nam, kim chỉ nam cho hành động của Ðảng và cách mạng nước ta. Loại ý kiến thứ tư cho rằng, sự lựa chọn con đường phát triển của đất nước phải căn cứ vào thực tiễn của đất nước mình, dân tộc mình. Ý kiến này có phần đúng nhưng chưa đủ.

Trong thời đại ngày nay sự phát triển của một nước, một dân tộc không chỉ từ thực tiễn đất nước mà còn từ thực tiễn thời đại và hệ tư tưởng của giai cấp tiên tiến trong thời đại đó. Vậy thực tiễn của thời đại, thực tiễn Việt Nam và hệ tư tưởng chính trị từ giữa thế kỷ 19 là gì? Thực tiễn thứ nhất là chủ nghĩa tư bản châu Âu, Bắc Mỹ mở rộng địa bàn thống trị của nó thông qua các cuộc chiến tranh xâm lược nước khác. Việt Nam trở thành đối tượng xâm lược của chủ nghĩa tư bản thực dân Pháp. Sau những cuộc đàn áp đẫm máu phong trào yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp đặt ách thống trị trên toàn cõi Ðông Dương với cái tên mới xứ Ðông Dương thuộc Pháp gồm năm Kỳ, cái tên Việt Nam cũng không còn nữa. Ðó là một thực tế.

Thực tế thứ hai là, giai cấp tư sản thực dân Pháp đã từ chối hợp tác với phong trào Tây du của cụ Phan Chu Trinh; giai cấp tư sản quân phiệt Nhật từ chối hợp tác với phong trào Ðông du của cụ Phan Bội Châu. Sự từ chối ấy bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là không thể có sự hợp tác bình đẳng giữa kẻ thống trị với người bị trị, giữa kẻ cướp nước và những người mất nước. Trong lịch sử Việt Nam giai cấp tư sản Việt Nam có hai bộ phận; Bộ phận tư sản dân tộc yếu kém cả về kinh tế, chính trị, dễ thỏa hiệp về tư tưởng; hộ phận tư sản mại bản thì cam tâm làm tay sai cho thực dân, đế quốc.

Thực tế thứ ba là, sau thất bại của các phong trào nói trên, con đường cứu nước như trong đêm tối, tưởng như không có con đường nào khác thoát khỏi kiếp nô lệ ngựa trâu mà lời tự vãn của cụ Phan Bội Châu đã nói lên điều đó “Trong đời tôi chứng kiến trăm lần thất bại chưa có một lần thành công”. Ðó là một thực tế lịch sử. Thực tế thứ tư là, sau nhiều năm suy ngẫm và 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước qua khoảng 30 quốc gia, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra từ cách mạng tư sản Pháp và cách mạng tư sản Mỹ là các cuộc cách mạng không đến nơi (tức là không triệt để).

Ðồng thời từ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, từ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, từ Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: Con đường để giải phóng thực sự các dân tộc bị áp bức chỉ có thể là con đường Cách mạng vô sản, con đường đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ðó là một thực tế.

Thực tế thứ năm là, sau 10 năm chuẩn bị trên cả ba phương diện: Tư tưởng lý luận, đường lối chính trị và tổ chức cán bộ, Nguyễn Ái Quốc đã thống nhất lực lượng cách mạng Việt Nam với việc thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Do có Ðảng lãnh đạo đề ra đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo, Cách mạng Việt Nam đã vượt qua bốn cột mốc lớn: Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi 1954, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi 1975 và đi lên xây dựng chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước, tiến hành đổi mới thắng lợi với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Ðó là một thực tế.

Thực tế thứ sáu là, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Ðảng và Nhà nước ta đã đánh giá rất cao vai trò của chủ nghĩa Mác – Lê-nin với Cách mạng Việt Nam. Có thể nêu một số thí dụ sau đây: Mở đầu cuốn “Ðường Kách mệnh” (1927), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã trích ở trang đầu câu nói nổi tiếng của Lê-nin: “Không có lý luận cách mạng thì không có vận động cách mạng”. Ở cuối phần một cuốn sách này, Người khẳng định vai trò dẫn đường của lý luận cách mạng: Ðảng có vững thì cách mạng mới thành công… Ðảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt… Ðảng không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t2, tr176). Năm 1951, trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh: Học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức là những nhiệm vụ cần kíp của Ðảng. Năm 1960, trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng Việt Nam không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Năm 1966, trong bài nói chuyện với lớp bồi dưỡng đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tiếp tục khẳng định: Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng.

Thực tế thứ bảy là, trong thời kỳ cải tổ, Liên Xô có tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật và trình độ dân trí cao hơn hẳn Việt Nam, Trung Quốc và Cu-ba, nhưng cải tổ ở Liên Xô lại thất bại. Sự thất bại đó có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân có ý nghĩa quyết định trực tiếp là sai lầm trong đường lối cải tổ, một đường lối xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Sau 10 năm Ðảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, Liên Xô từ vị trí một trong hai siêu cường thế giới tụt xuống vị trí của các nước trung bình, thậm chí có người còn xếp nước Nga vào vị trí các nước đang phát triển, Trung Quốc, Việt Nam bước vào cải cách, đổi mới ở trình độ thấp hơn và khó khăn hơn Liên Xô rất nhiều, nhưng cải cách đổi mới lại thành công.

Nguyên nhân thành công có nhiều nhưng nguyên nhân có ý nghĩa quyết định trực tiếp nhất là Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Ðảng Cộng sản Việt Nam có đường lối cải cách, đổi mới đúng đắn. Ðường lối đó thể hiện sự trung thành, sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn đất nước và thực tiễn thời đại.

Ở Việt Nam, trong suốt quá trình đổi mới, các văn kiện, nghị quyết của Ðảng đều khẳng định vai trò của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam nói chung và trong quá trình đổi mới nói riêng. Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ IX của Ðảng rút ra bài học số một sau 15 năm đổi mới là: Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó văn kiện khẳng định vị trí quan trọng của Cương lĩnh năm 1991: Cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Ðảng hiện nay và trong những thập kỷ tới. Ðảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng tiếp tục rút ra bài học kinh nghiệm thành công số một của hai mươi năm đổi mới là: “Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn để tới thắng lợi. Ðổi mới không phải là xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Ðảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Từ đó khẳng định yêu cầu số một trong đổi mới, chỉnh đốn Ðảng là “Kiên trì chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động của Ðảng. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra… Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối quan điểm của Ðảng, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch”. Với những điều trình bày trên đây, chúng ta càng khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh chỉ có thể được thực hiện bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công nhân, nông dân, trí thức do Ðảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, lãnh đạo. Ðó là nội dung cốt lõi của Cách mạng Việt Nam, là “cái bất biến” không thể thỏa hiệp.

PGS. TS NGUYỄN VĂN OÁNH

Đọc Online Kinh tế và triết học xã hội chủ nghĩa

Download Ebook Kinh tế và triết học xã hội chủ nghĩa

Download Prc

Exit mobile version