Giới Thiệu Không Gục Ngã
Tôi từng là đứa trẻ khỏe mạnh, xinh xắn, vô tư, ham chơi, hễ chạm chân xuống đất là ríu rít nhảy chân sáo. Tuổi thơ tôi miên man trong gió đồng và những trò chơi thơ dại. Những ngày cắp sách tới trường của tôi đầy bóng chữ và cả một thế giới văn chương lung linh mà tôi tự đắp xây bằng những quãng thời gian đọc vụng trộm tủ sách của ông nội. Chưa có gì trong cuộc sống khiến tôi phải nghĩ ngợi. Tôi hồn nhiên đi qua tuổi thơ đến mức chưa kịp nuối tiếc khoảng thời gian thần tiên ấy. Rồi tôi chạm vào cánh cửa tuổi thanh xuân, nhìn thấy bóng dáng mình ở thời thiếu nữ. Tất cả những cảm xúc xốn xang, những thoáng xáo động chỉ vừa chớm nở, hé mở trong tâm hồn trong veo.
Nhưng bỗng chốc sự bình yên sụp đổ, chôn vùi cả nét hồn nhiên. Cả những cảm xúc mới mẻ, đẹp đẽ cũng vụt mất. Bánh xe cuộc đời tôi khựng lại trước những hướng đi đầy hy vọng, quay ngoắt 180 độ, rẽ vào lối dẫn tới vực thẳm của sự tuyệt vọng. Tôi chới với. Trống rỗng. Vô vọng.
Nguyễn Bích Lan
Có lẽ ít người biết Nguyễn Bích Lan là ai nếu không có loạt bài “Không gục ngã” mà nhà báo Quốc Việt viết trên báo Tuổi Trẻ. Những bài viết ấy không chỉ cảm động về số phận không may mắn của một cô gái mà còn làm rung động rất nhiều con tim khi đọc nó, và chắc hẳn không ít người đã thay đổi cách nghĩ với cuộc sống này từ tấm gương mang tên Nguyễn Bích Lan.
Bích Lan có lẽ sẽ không khác gì nhiều so với các bạn đồng trang lứa nếu không có một ngày định mệnh vào năm 13 tuổi, cô bị té vì hai đầu gối bất ngờ bị tê điếng, mãi sau đó cô mới đứng dậy được. Và cũng từ buổi sáng ấy, cô bị té nhiều hơn và bắt đầu sụt ký chỉ còn xương và da, đến chén cơm cũng khó nâng nổi. Việc học phải dừng lại dang dở vì bệnh tật, những lần khám bệnh mệt mỏi ở nhiều nơi đã tưởng chừng như lấy đi mất sức sống và niềm hy vọng từ cô.
Thế nhưng, Bích Lan không cho mình tuyệt vọng. Sau những lần chạy chữa không thành công, Lan ở nhà và việc đầu tiên cô làm là mượn những quyển sách tiếng Anh của cậu em đang học để tự mình học. Cũng chính từ những kiên trì của chính Bích Lan và những trang sách đã khiến cho cô phần nào quên đi bệnh tật. Và cũng từ đây mà có “lớp học Cây Táo” ra đời. Cũng chính lớp học này là niềm động viên, khích lệ cô giáo Bích Lan, và biết bao học trò nghèo từ làng quê Thái Bình biết đến tiếng Anh.
Lớp học duy trì được 4 năm thì Lan kiệt sức do căn bệnh loạn dưỡng cơ biến chứng sang tim. Lan lúc ấy gần như phải nằm liệt giường, nhưng cũng chính thời gian này, Bích Lan đã có cơ duyên làm quen với máy tính. Đối với cô, máy tính dường như mở ra cho cô một cánh cửa, cánh cửa ấy giúp cô làm quen với nhiều bạn có cùng hoàn cảnh trên thế giới. Và cũng từ đó, cánh cửa dịch thuật cũng bắt đầu hé mở với cô.
Nguyễn Bích Lan hiện vẫn còn phải đương đầu với căn bệnh loạn dưỡng cơ đã cư ngụ quá lâu năm trong cơ thể cô nhưng với những gì đã làm được và sự hy vọng vào những tiến bộ của y học đã làm cuộc sống của cô tràn đầy ánh sáng và màu sắc.
Tự truyện Không Gục Ngã của Nguyễn Bích Lan được ra đời với niềm hy vọng như chính cô chia sẻ: “Không Gục Ngã là câu chuyện của tôi và tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết lên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người.”
“Người ta vẫn nói giấc mơ chỉ là giấc mơ, chuyện cổ tích chỉ là chuyện cổ tích …nhưng trong câu chuyện của Bích Lan chuyện cổ tích đã trở thành hiện thực. Các bạn và chúng tôi học được một điều từ câu chuyện của Bích Lan. Đó là cho dù bạn gặp hoàn cảnh khó khăn đến mức nào, nhưng nếu bạn cố gắng và nhích từng bước một thì số phận sẽ mỉm cười với bạn…”
Nhà báo Tạ Bích Loan