Giới Thiệu Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí
Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí – Trước 1990, không mấy ai trên thế giới suy nghĩ nhiều về tài sản “mềm”, mà đo lường sự thịnh vượng thành công của một công ty hay một con người qua các đồ chơi sờ mó được như bất động sản, khoáng sản, thực phẩm, xe cộ, điện máy…
Khi tôi còn làm cho hãng Eisenberg và Hartcourt vào những năm đầu mở cửa của Trung Quốc (1975-1990), chúng tôi được tiếp đón nồng hậu và được mời đầu tư vào những công ty mà chính phủ Trung Quốc cho rằng là “hòn ngọc” giá trị nhất của họ. Đó là những đại công ty có nhà máy lớn như sân vận động, hàng chục ngàn nhân công, cơ sở văn phòng bề thế… tọa lạc phần lớn tại các vùng khỉ ho cò gáy (kế hoạch tránh các phi vụ ném bom trong chiến tranh). Những doanh nghiệp nhà nước này mang rất nhiều tính chất xã hội và quản lý theo kiểu “cha chung”… nên thua lỗ thường trực. Giá trị của tài sản mềm
Do đó, khi Hartcourt đem tiền đầu tư chuyên vào các công ty IT hay truyền thông, nhiều tư vấn Trung Quốc cho rằng chúng tôi ngu, đem tiền đi đổ sông Ngô. Ngay đến hôm nay, phần lớn doanh nhân Việt vẫn không nhận ra giá trị mềm của công ty họ. Khi họ chào bán hay mời mọc, họ vẫn khoe nhiều về nhà máy hoành tráng, diện tích đất bao quanh lớn, văn phòng tráng lệ ngay tại trung tâm thành phố và chiếc xe Rolls Royce họ đang lái…
Tôi có đến thăm tập đoàn Foxconn ở Thâm Quyến hai năm về trước. Nhà máy hiện đại với hơn 30 ngàn nhân công, hệ thống dây chuyền sản xuất và các phòng “sạch” (clean room) rộng lớn, rất ấn tượng. Sản phẩm chính họ gia công là Iphone, Ipad, Ipod cho Apple. Trong khi Apple làm chủ bản quyền trí tuệ và thương hiệu nên kiếm lời khoảng 140 đô la mỗi đơn vị Iphone, lợi nhuận của Foxconn khoảng 7 đô la một sản phẩm.
Hãng Nike có thương vụ lớn nhất toàn cầu về giày dép và trang phục thể thao. Họ không sở hữu bất kỳ nhà máy nào trên thế giới. Tài sản quý giá nhất là thương hiệu đã xây dựng suốt 50 năm qua cùng với những trung tâm thiết kế và các phòng thí nghiệm hiện đại nhất về công nghệ và sản phẩm. Những công ty có thị giá cao nhất trên thế giới đều là những công ty mà giá trị mềm vượt trội: Google, Microsoft, Facebook, Pfizer, Oracle, IBM… Không một công ty bất động sản nào nằm trong Top 100 (100 công ty hàng đầu).
Tài sản mềm mang giá trị quan trọng nhất trong lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế tương lai.
Nhìn lại Việt Nam, liệu chúng ta có thể đánh giá được những tài sản mềm? Vai trò của chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào trong chiến lược kinh tế khu vực và toàn cầu? Hãy kiểm điểm.
Tài sản con người
Hai yếu tố tạo mũi nhọn cho đội ngũ nhân lực là sáng tạo và năng động. Đây là phạm trù của tuổi trẻ và Việt Nam thường hãnh diện với 65% người dân dưới 30 tuổi, trên 50 triệu người. Thêm vào đó, học sinh, sinh viên Việt Nam thường tỏa sáng tại các trường trung, đại học trên toàn thế giới. Mặt khác, Việt Nam có 3,8 triệu kiều bào có kinh nghiệm nghề nghiệp cao, trong đó 32% tốt nghiệp đại học. Nói chung, so với 9 quốc gia còn lại trong khối ASEAN, Việt Nam dẫn đầu về tiềm lực nhân tài, trên cả Indonesia với gần 250 triệu dân.
Tuy nhiên, sự yếu kém của nền giáo dục lý thuyết từ chương đã làm hạn chế tiềm năng này. Công ty Intel đã không tìm ra đủ 180 nhân viên trung cấp cho nhà máy 1 tỷ đô la của họ ở Thủ Đức và phải nhập khẩu một số lớn chuyên viên từ Malaysia và Philippines. Các công ty FDI khác tại Việt Nam đều có những than phiền tương tự.
Thêm vào đó, tư duy sao chép nguyên bản các tư tưởng truyền thống, các công thức khoa học lỗi thời và chính sách dùng người hạn chế đã thui chột nhiều sáng kiến, nhiều đổi mới, nhiều tiến bộ. Dù Việt Nam có số lượng giáo sư, tiến sĩ cao nhất ASEAN (gần 10 ngàn người), nhưng trong các năm qua, chỉ có 5 bằng sáng chế nộp tại Âu Mỹ. Năm 2011, Singapore với 5 triệu dân đã đăng ký 648 bằng sáng chế, số lượng bằng sáng chế của Việt Nam với 90 triệu dân là zero.
Thương hiệu quốc gia
Các tên tuổi mà mạng truyền thông Việt không ngừng vinh danh như Vinamilk, Trung Nguyên, Kinh Đô, Bitis… đều chưa có thương hiệu tầm cỡ khu vực và thế giới trong khi việc hội nhập càng sâu vào thị trường quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy về thương hiệu và phải có tầm nhìn dài hạn và chiến lược marketing tổng thể. Ngay cả Vietnam Airlines đáng lẽ phải là một đầu cầu để phát triển các thương hiệu khác cho Việt Nam trên khắp điểm đến của thế giới cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Nhờ vai trò lịch sử trong hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, Việt Nam đã có tiềm năng để nổi tiếng và tạo thiện cảm với nhân dân thế giới. Tuy nhiên, sự thiếu vắng những thành quả ấn tượng trên mọi lĩnh vực từ kinh tế đến khoa học, từ nghệ thuật đến thể thao đã bào mòn thương hiệu Việt Nam.
Nhật Bản phải mất gần 40 năm mới tạo dựng cho Made in Japan một thương hiệu đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm và sáng tạo. Trung Quốc cố gắng tạo một thương hiệu quốc gia suốt 35 năm qua. Tuy nhiên, lấy lại lòng tin của khách hàng vì sự mất uy tín của thương hiệu là cuộc chiến đấu quyết liệt ở Trung Quốc vì chạy theo lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã bất chấp cả sức khỏe và sinh mệnh của người tiêu dùng, điều ấy đã tạo ra sự phản cảm, dẫn đến sự công phẫn của công luận trong và ngoài nước với không ít sản phẩm Made in China.
Nhưng nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang đi lên bằng kinh nghiệm dày dạn, sáng kiến đột phá cùng khát vọng ở tầm chiến lược, từng bước chinh phục thị trường thế giới.