Khi Nào Cướp Nhà Băng

Khi Nào Cướp Nhà Băng

Giới Thiệu Khi Nào Cướp Nhà Băng

KHÔNG CHỈ LÀ NHỮNG CHUYỆN TẦM PHÀO

Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner chắc hẳn là hai cái tên không hề xa lạ với độc giả Việt Nam, với những tựa sách Kinh tế học hài hước, Siêu kinh tế học hài hước, Tư duy như một kẻ lập dị do Công ty Cổ phần Sách Alpha dịch sang tiếng Việt và xuất bản trong những năm trước đây.

Khi nghe đến cái danh “nhà kinh tế học”, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đó là những cây bút hàn lâm, cao siêu và phân tích những vấn đề thuần túy chuyên môn. Nhưng với Steven và Stephen, đó không phải là cách họ viết sách. Trái lại, hai tác giả sẵn sàng quan tâm mổ xẻ đủ mọi thứ vấn đề, mà thoạt nghe chẳng có chút gì liên quan đến kinh tế, chẳng hạn như chuyện tỷ lệ tội phạm ở Trung Quốc hay chuyện đi lậu vé xe lửa ở Ấn Độ. Chính vì vậy, khi đặt tên cho cuốn sách đầu tiên mà hai người hợp tác, Linda, chị của Steven D. Levitt, đã chơi chữ bằng cách ghép từ “freak” (có nghĩa là kỳ dị, kỳ quái) với “economics” (có nghĩa là kinh tế) và thế là cái tên “Freakonomics” ra đời.

Có lẽ vì thấy việc viết về những chủ đề cụ thể và xuyên suốt là chưa đủ để thỏa mãn đam mê viết lách, Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner đã cùng nhau lập ra một trang blog để có thể viết về đủ mọi thứ mà họ quan tâm. Tên của trang blog cũng là Freakonomics, đúng như tựa cuốn sách đã làm nên thương hiệu của Steven và Stephen. Trang blog này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của độc giả và chẳng mấy chốc, đã có hàng nghìn bài viết được xuất bản, mang lại những góc nhìn thú vị (và tất nhiên là kỳ dị, thậm chí là ngược đời) về những vấn đề trong cuộc sống mà ít ai trong chúng ta nghĩ tới. Ví dụ, bạn có bao giờ từng nghĩ tới việc tại sao chúng ta không bao giờ boa cho tiếp viên hàng không hay chưa? Hay thời điểm nào trong tuần là lúc thích hợp nhất để cướp nhà băng?

Câu hỏi đã lạ và câu trả lời mà hai tác giả mang lại cũng “dị” không kém.

Và dù các bạn hoàn toàn có thể đọc (bằng tiếng Anh) những bài viết của Steven và Stephen miễn phí trên blog của họ, nhưng với triết lý “nước đóng chai”, hai tác giả đã quyết định tập hợp và chọn lọc những bài viết trên blog để tạo thành cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay. Cuốn sách thậm chí còn mang tính giải trí hơn nhiều, vì là nhiều bài viết tập hợp lại và mỗi bài viết đề cập đến những khía cạnh khác nhau của cuộc sống dưới góc nhìn của hai tác giả. Chắc chắn, khi đọc cuốn sách này, bạn đọc sẽ bắt gặp những khoảnh khắc khiến các bạn ồ lên vì thú vị, thậm chí là bật cười vì sự độc đáo và hài hước của câu chuyện mà các tác giả mang lại.

Không chỉ tầm phào, đó còn là những thực trạng có phần phi lý đang tồn tại ngay trước mắt mà chúng ta không hề hay biết (hoặc không đủ hài hước để nhận ra, cũng có thể là như vậy!).

Trong quá trình biên tập, chúng tôi một lần nữa đã chọn lọc lại và lược bớt một số nội dung không phù hợp với bối cảnh và ngôn ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, tinh thần và những nội dung chính mà hai tác giả muốn truyền tải qua cuốn sách này vẫn được giữ nguyên vẹn. Hy vọng bạn đọc sẽ có những phút giây thư giãn và giải trí cùng chuyến hành trình chu du qua thế giới kinh tế học hài hước của Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner.

BLOG VÀ NƯỚC ĐÓNG CHAI CÓ ĐIỂM GÌ CHUNG?

Mười năm trước, khi chuẩn bị xuất bản cuốn sách Kinh tế học hài hước(1), chúng tôi quyết định mở một trang web đồng hành cùng cuốn sách. Tên trang web chẳng có gì phải tưởng tượng xa xôi, đó là freakonomics.com.

Và ngẫu nhiên làm sao trang web lại có tính năng blog.

Levitt lúc nào cũng lạc hậu cỡ vài năm so với thiên hạ. Anh chưa bao giờ nghe nói đến blog, chứ đừng nói đến chuyện đọc hay viết blog. Dubner giải thích ý tưởng. Nhưng Levitt vẫn không thấy thuyết phục cho lắm.

“Bọn mình cứ thử xem sao”, Dubner cuối cùng đành nói. Thời điểm đó, chúng tôi mới bắt đầu cộng tác với nhau, thế nên Levitt chưa kịp ngộ ra rằng sáu từ đó là cách mà Dubner dùng để thuyết phục anh làm đủ việc mà anh chưa bao giờ có ý động đến.

Vậy là chúng tôi thử viết blog. Đây là bài blog đầu tiên của chúng tôi:

Tháo cũi sổ lồng cho con

Ông bố bà mẹ nào cũng nghĩ rằng con mình đẹp nhất trần đời. Có vẻ quá trình tiến hóa đã khuôn định bộ não của chúng ta theo cách nào đó sao cho nếu ta cứ nhìn chằm chằm vào mặt con mình hết ngày này qua ngày khác, thì khuôn mặt chúng sẽ bắt đầu xinh đẹp lên. Con cái nhà khác mà dính thức ăn trên mặt thì trông thật kinh, nhưng thức ăn dính trên mặt con mình thì lại đáng yêu chết đi được.

Xem nào, chúng tôi cũng đã nhìn chằm chằm bản thảo cuốn Kinh tế học hài hước nhiều đến độ trong mắt chúng tôi nó thật tuyệt vời – bất kể trên đó nào là mụn cóc, thức ăn dính mặt và đủ thứ hầm bà lằng khác. Rồi chúng tôi bắt đầu nghĩ rằng có thể có vài người quả thật muốn đọc nó và sau khi đọc nó, họ có thể thậm chí còn muốn bày tỏ ý kiến riêng về nó. Thế nên trang web này ra đời. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một chốn vui vẻ (hay ít nhất là cũng để tranh cãi trong vui vẻ) cho những người thỉnh thoảng ghé chơi.

Và nó quả đúng là một chốn vui vẻ! Phong cách viết blog của chúng tôi có khuynh hướng xuề xòa, cá nhân và ngoan cố hơn so với cách chúng tôi viết sách; chúng tôi có thể thả lửng một câu hỏi hoặc đưa ra một câu trả lời chắc nịch. Chúng tôi viết những điều mà mình mới nghĩ được nửa chừng, rồi sau đó hối hận. Chúng tôi viết cả những điều chúng tôi đã nghĩ đi nghĩ lại, nhưng rồi sau đó vẫn hối hận. Thế nhưng, trên tất cả, viết blog cho chúng tôi một lý do chính đáng để tiếp tục giữ nguyên sự tò mò và cởi mở của mình với thế giới xung quanh.

Không giống như bài viết đầu tiên, phần lớn các bài blog sau này đều được viết bởi một trong hai người, chứ không phải được cả hai chung tay viết như khi chúng tôi viết sách. Đôi khi chúng tôi mời bạn bè (và thậm chí cả đối thủ) viết bài, đôi khi lại tổ chức các “quorum” – diễn đàn hỏi đáp (đề nghị một nhóm người thuộc hàng tinh anh trả lời một câu hỏi khó) và các màn hỏi đáp Q&A.

Trong suốt nhiều năm, tờ New York Times đã đăng các bài viết trên blog này, nhờ thế blog cũng có một nơi chốn đàng hoàng dù không được bảo đảm cho lắm. Nhưng rồi cuối cùng tòa soạn Times cũng hiểu ra và cho chúng tôi tách ra làm riêng. Một lần nữa chúng tôi lại một thân một mình.

Suốt những năm qua, chúng tôi thường băn khoăn tự hỏi tại sao mình lại tiếp tục viết blog. Chẳng có một câu trả lời rõ ràng nào. Blog này không mang lại tiền cho chúng tôi; chẳng có bất kỳ chứng cứ nào cho thấy nó giúp các cuốn sách của chúng tôi bán chạy hơn. Rất có thể nó còn ăn cả vào doanh số nữa, vì ngày nào chúng tôi cũng đăng không bài viết của mình. Nhưng dần dà, chúng tôi nhận ra tại sao mình lại tiếp tục làm việc này: độc giả của chúng tôi thích đọc blog và chúng tôi yêu quý độc giả của mình. Sự hiếu kỳ, khôn khéo và đặc biệt tếu táo của họ khiến chúng tôi tiếp tục viết blog, ở những trang tiếp sau đây bạn sẽ thấy vô số bằng chứng cho tinh thần này.

Thỉnh thoảng có độc giả lại gợi ý chúng tôi nên in blog này thành sách. Ban đầu chúng tôi thấy đó là một ý kiến siêu ngớ ngẩn − cho đến một ngày cách đây không lâu, nó đột nhiên không còn có vẻ ngớ ngẩn nữa. Điều gì đã thay đổi? Dubner cho nhóc nhà anh đi trại hè ở Maine. Giữa chốn đồng không mông quạnh, hai bố con bắt gặp một nhà máy nước đóng chai rất lớn ở Poland Spring. Bản thân là người lớn lên giữa chốn hoang vu, Dubner luôn thấy thật lạ làm sao khi có quá nhiều người chịu bỏ kha khá tiền cho một chai nước. Tuy nhiên, họ đã làm vậy, với số tiền bỏ ra khoảng 100 tỷ đô-la một năm.

Và đột nhiên một cuốn sách về các bài viết trên blog không còn có vẻ gì quá ngớ ngẩn nữa. Vậy là theo truyền thống của Poland Spring, Evian và các thiên tài khác của ngành sản xuất nước đóng chai, chúng tôi quyết định đóng chai một thứ có sẵn miễn phí và tính tiền các bạn món đó.

Công bằng mà nói, chúng tôi thật sự lâm vào cảnh khốn đốn khi phải đọc toàn bộ blog và lọc ra những nội dung khá nhất (thật mừng khi thấy trong số 8 nghìn bài viết hầu hết là làng nhàng, chúng tôi quả thật cũng có được một vài bài viết tốt). Chúng tôi đã biên tập và cập nhật thêm nội dung cho các bài viết, sắp xếp chúng thành các chương để nội dung cuốn sách hợp lý hơn.

Chẳng hạn, Chương 1, Chúng tôi chỉ đang cố giúp thôi mà, bàn đến việc xóa bỏ hình thức biên chế trong môi trường học thuật, những hình thái thay thế cho hình thái dân chủ và làm sao để suy nghĩ như một tên khủng bố. Chương 8, Khi đã là dân Jet, chỉ ra rằng một khi ta bắt đầu suy nghĩ như một nhà kinh tế, sẽ rất khó để bỏ lối suy nghĩ đó đi − bất kể chủ đề là sữa công thức cho trẻ em, những bộ phim hoạt hình hay món thịt gà ôi thiu.

Suốt nhiều năm, chúng tôi đã có được cảm giác vui sướng vô hạn khi đưa những suy nghĩ xỏ xiên của mình thành bài viết. Chúng tôi hy vọng bạn sẽ thích thú khi ghé mắt nhìn vào đầu óc chúng tôi để thấy sẽ thế nào nếu nhìn thế giới qua cặp kính mang màu Kinh tế học hài hước.

Tham khảo thêm:

Nguồn: Downloadsachmienphi.com

Đọc Online Khi Nào Cướp Nhà Băng

Đọc Onine

Download Ebook Khi Nào Cướp Nhà Băng

Download PDF

Exit mobile version