Giới Thiệu Karl Marx – Peter Singer
Karl Marx là cuốn sách nhập môn ngắn gọn về tư tưởng của Marx, giúp độc giả có thể thấy được tư tưởng của ông một cách tổng thể. Trong cuốn sách này, Peter Singer đã cố gắng tìm kiếm “một ý niệm cốt lõi, một cái nhìn về thế giới hợp nhất hết thảy toàn bộ tư tưởng của Marx”. Ông coi Marx là một nhà triết học quan tâm chủ yếu tới vấn đề tự do của con người hơn là một nhà kinh tế hay một nhà xã hội học. Với mười chương sách, Peter Singer đã giải thích khái niệm tha hóa, chủ nghĩa duy vật lịch sử, lí thuyết kinh tế của chủ nghĩa tư bản, ý tưởng về chủ nghĩa cộng sản của Marx và kết lại bằng cách đánh giá toàn bộ di sản của Marx.
“Sức ảnh hưởng của Marx lớn tới mức chỉ có thể so sánh với sức ảnh hưởng của các nhân vật tôn giáo như Jesus hay Muhammad mà thôi. Khoảng nửa sau thế kỷ 20, gần bốn phần mười nhân loại ở các quốc gia theo chủ nghĩa Marx và lấy các nguyên lý của chủ nghĩa Marx làm kim chỉ nam cho sự phát triển đất nước dù rằng sự vận dụng ấy nhiều khi không hợp lý. Ở các quốc gia này, Marx được tôn vinh như một vị thánh. Các bài viết của ông là nguồn suối tối hậu của chân lý và uy quyền. Hình ảnh của ông đã được trưng bày một cách trang nghiêm ở khắp mọi nơi. Đời sống của hàng trăm hàng triệu người chịu ảnh hưởng di sản của Marx một cách sâu sắc.
Sự ảnh hưởng của Marx không chỉ bó hẹp ở các xã hội theo chủ nghĩa cộng sản. Các chính quyền theo đường lối bảo thủ đã đưa ra những cải cách xã hội hòng chặn đứng từ trong trứng nước các phong trào đối lập theo xu hướng cách mạng của chủ nghĩa Marx. Những người phái bảo thủ cũng đã phản ứng lại theo cách chẳng tử tế gì: giúp Mussolini và Hitler lên nắm quyền, vì thấy lòng yêu nước cuồng bạo của hai nhân vật này là câu trả lời cho mối đe dọa mang tên “chủ nghĩa Marx”. Và ngay cả khi không có mối đe dọa nào về một cuộc cách mạng trong nước, thì họ lại rêu rao về sự hiện hữu thù địch của chủ nghĩa Marx ngoài nước như một chiêu bài nhằm biện hộ cho mình trong việc nhân danh sự an nguy của quốc gia để gia tăng vũ trang, làm suy giảm và chế ước các quyền của cá nhân.”