Giới Thiệu Hương sắc trong vườn văn
Tôi nảy ra ý viết bộ đó nhờ năm 1947 hay 1948, đọc cuốn Cours de technique littéraire của một trường hàm thụ (tôi quên mất tên) ở Paris. Cuốn đó dạy kĩ thuật viết báo, tiểu thuyết, kịch, phê bình văn học, viết thư, cả viết quảng cáo nữa.
Những thuật đó không có gì mới mẻ, đại khái tôi cũng biết qua rồi, mà tôi cũng không có ý trứ tác những ngành kể trên; nhưng soạn giả khéo dẫn nhiều thí dụ lí thú, và năm 1958 tôi dùng một số thí dụ đó với nhiều thí dụ khác trong văn học Trung Quốc và Việt Nam để viết Hương sắc trong vườn văn.
Công việc không có gì khó. Cần nhất là có nhiều văn thơ để trích dẫn, muốn vậy phải đọc thật nhiều. Không phải đọc trong sáu tháng hay một năm khi đã nảy ra ý định viết rồi, mà phải đọc từ năm mười năm trước, thì mới được nhiều tài liệu. Và như Sainte Beuve nói, “khi đã lượm được đầy tay rồi thì công việc giản dị lắm”, chỉ cần một bố cục khéo để “đóng khung” thôi. Khi thu thập tài liệu tôi đã thấy vui, mà khi viết tôi cũng thấy thích. Và chắc chắn độc giả đọc sách tôi cũng thấy vui như tôi. Một ông giám học trường trung học ở miền Trung khen Hương sắc trong vườn văn là tác phẩm phê bình văn học sâu sắc ở nước nhà. Gần đây một ông bạn cho tôi hay một thanh niên tốt nghiệp đại học Văn khoa ở Huế khi “vượt biên” chỉ mang theo mỗi cuốn đó.
Ngày nay đọc lại, tôi vẫn thích các chương Văn ba lan, Tế nhị và hàm súc, Tình trong văn, lí trong văn, Đuổi bắt ảo ảnh (tiếp), nhất là hai chương cuối: Kĩ thuật chân chính, và Cảm thông với cái đẹp.
Cuối đoạn kết (gồm một trang) của toàn bộ, tôi viết mấy hàng này:
“Trong nghệ thuật cũng như ở ngoài đời, phân tích tỉ mỉ quá không có lợi gì cho người và cho mình. Những kẻ sung sướng nhất là những kẻ lí luận ít mà cảm xúc nhiều. Bạn cứ hỏi trái tim bạn, hạnh phúc ở đó, mà cái đẹp cũng ở đó”.
Bộ đó in hai lần, trước sau được 5.000 bản. Trong số năm ngàn độc giả đó, tôi mong có được dăm trăm người biết dùng văn thơ để bồi luyện cảm xúc mà tìm được hạnh phúc. Tôi cho đó là cái lợi nhất khi ta đọc những tác phẩm bất hủ của nhân loại.