Giới Thiệu Hậu hiện đại ở Nga – Mikhail Epstein
Nửa đầu thế kỉ XX xẩy ra vô số các cuộc cách mạng – “cách mạng xã hội”, “cách mạng khoa học”, “cách mạng tình dục” -, và những bước ngoặt cách mạng trong các lĩnh vực như vật lí, tâm lí, sinh học, triết học, văn học, nghệ thuật. Tại nước Nga những bước ngoặt đó diễn ra trên các phạm vi khác với phương Tây, song bản thân mô hình cách mạng của sự phát triển đã gắn hai thế giới lại và cho phép giải thích tại sao ở nửa sau thế kỉ XX lại có được sự tương đồng loại hình giữa chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây và nền văn hoá Nga hiện đại vốn cũng đang phát triển dưới dấu hiệu “hậu” (post) – hậu Xô Viết, hậu không tưởng.
Tính cách mạng – hiển nhiên đó là hiện tượng của chủ nghĩa hiện đại, hiểu theo nghĩa rộng của từ, – có thể xác định như sự tìm kiếm một thực tại thuần túy, cao cả và xác thực, một thực tại đứng đằng sau những kí hiệu và những hệ thống văn hoa (1). Có thể coi J. J. Rousseau là thủy tổ của chủ nghĩa hiện đại với sự phê phán nền văn minh đương đại và sự khám phá ra tồn tại “khởi nguyên”, chưa bị “tha hoá” của tự nhiên. Chủ nghĩa Marx, chủ thuyết Nietzsche và học thuyết Freud – những phong trào hiện đại chủ nghĩa -, phê phán ảo tưởng ý thức hệ tư tưởng và tìm kiếm một thực tại “thuần khiết” trong sự tự phát triển của vật chất và sản xuất vật chất, trong bản năng sống và ý chí vươn tới quyền lực, bản năng tính dục và trong quyền năng của vô thức. Trong ý nghĩa này nhà hiện đại chủ nghĩa chính là J. Joyce, người đã khám phá ra “dòng ý thức” liên tục và những “nguyên mẫu huyền thoại” đằng sau những hình thức ước lệ của “cá nhân hiện đại”; Kazimir Malevich người xoá bỏ tính đa dạng, phong phú của màu sắc trong thế giới hiện tồn để thể hiện cơ sở hình học của nó – “hình vuông đen”; Velimir Khlebnikov, người khẳng định thực tiễn thuần khiết bằng thứ ngôn từ “vòng vèo”, “khó hiểu”, kiểu lảm nhảm lên đồng “bobêobi peli gupư”, bằng ngôn ngữ tượng trưng ước lệ.
Nhìn chung, chủ nghĩa hiện đại có thể xem như cuộc cách mạng nhằm xoá bỏ ước lệ văn hoá và tính tương đối của các kí hiệu và khẳng định thực tại đứng đằng sau nó, một thực tại thuần túy, đúng đắn: “vật chất” và “kinh tế” trong chủ nghĩa Marx, “cuộc sống” trong chủ thuyết Nietszche, “tính dục” và “vô thức” trong học thuyết Freud, “hứng khởi sáng tạo” của Bergson, “dòng ý thức” của J. Joyce và W. James, “hiện sinh” trong chủ nghĩa hiện sinh, v. v…