Giới Thiệu Hán học danh ngôn (1957)
Lời bàn “cho nên [người quân tử] không thích nghĩa” của Tĩnh Trai Trần Lê Nhân hình như không hợp với quan niệm của Khổng Tử về nghĩa 義. Trong Luận ngữ, thiên Dương Hoá có đoạn sau (theo phiên âm và dịch của Nguyễn Hiến Lê):
“Tử Lộ viết: “Quân tử thượng dũng hồ?” Tử viết: “Quân tử nghĩa dĩ vi thượng, quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo.”
Dịch. – Tử Lộ hỏi: “Người quân tử có trọng dũng không?” Khổng Tử đáp: “Người quân tử trọng nghĩa lí hơn hết. Người quân tử chỉ dũng cảm mà không hợp nghĩa lí thì làm loạn; kẻ tiểu nhân chỉ dũng cảm mà không hợp nghĩa lí thì làm trộm cướp.”
Có lẽ Nguyễn Hiến Lê hiểu “quân tử” và “tiểu nhân” trong đoạn trên theo nghĩa “thuần trỏ tư cách” (nghĩa 2) hoặc theo nghĩa “vừa trỏ địa vị vừa trỏ tư cách” (nghĩa 3); còn Tĩnh Trai Trần Lê Nhân thì hiểu theo nghĩa “thuần trỏ địa vị” (nghĩa 1) nên ông dịch lời Khổng Tử như sau:
“Người quyền thế chỉ biết hùng dũng mà không biết nghĩa thì làm loạn; người thường dân chỉ biết hùng dũng mà không biết nghĩa thì trộm cướp” (Danh ngôn số 417).
Theo tôi thì dù hiểu “quân tử” và “tiểu nhân” theo nghĩa 1, nghĩa 2 hoặc nghĩa 3, thì cũng không thể bảo Khổng Tử cho rằng vì “người quân tử hiểu rõ việc nghĩa” “cho nên [người quân tử]không thích nghĩa” được.
Trong cuốn Khổng Tử, Nguyễn Hiến Lê còn cho biết thêm:
“Khổng tử ít nói đến nghĩa (Sau này Mạnh tử mới coi đức đó trọng hơn lễ) nhưng ông hành động luôn luôn theo nghĩa: Theo nghĩa là thấy việc gì đáng làm thì làm, không hề mưu tính tới lợi cho mình, mà cũng không cần biết hậu quả ra sau. Ông trái hẳn Mặc tử không nói tới lợi, dù là lợi công, cho nên bảo: “người quân tử hiểu rõ về nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về lợi” (IV.16), và “cách xử sự của người quân tử, không nhất định phải như vầy mới được, không nhất định như kia là không được, cứ hợp nghĩa thì làm” (IV.10). Như vậy là “vô khả, vô bất khả”, không cố chấp.
Nhưng việc gì đáng làm, hợp nghĩa, thì dù có mòi không làm được, ông cũng cứ làm, khi nào hết sức rồi mà không thành được thì mới thôi; mặc lời chê của thiên hạ là “tri kì bất khả vi nhi vi chi” (XIV.39): biết là không thể làm được mà vẫn làm”.
Tóm lại, nếu nguyên văn của danh ngôn số 58 là Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi 君子喻於義,小人喻於利, thì chúng ta nên hiểu câu đó gồm lời dịch và lời bàn (tôi tạm đặt trong dấu ngoặc đơn):
“Người quân tử hiểu rõ việc nghĩa (cho nên không thích nghĩa); kẻ tiểu nhân hiểu rõ việc lợi (cho nên thích lợi)”
Và lời bàn “cho nên [người quân tử] không thích nghĩa” hình như không phù hợp với quan niệm của Khổng Tử, một người tuy ít nói về nghĩa nhưng rất trọng nghĩa.