Giáo dục Cổ học tinh hoa quyển 1

Giới Thiệu Giáo dục Cổ học tinh hoa quyển 1

« Có mới, nới cũ » thường tình vẫn thế. Tân-học mỗi ngày một tiến, tất Cựu-học phải lùi và có khi sợ rồi mai một đi mất !

Nhưng, Tân-học mà hay, tất là Tân-học có một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy tức là tinh-hoa của Cựu-học. Cựu-học của nước nhà là một thứ-học trải qua bao nhiêu đời, đã làm cho ông cha ta phù-thực được cương-thường, chấn-chỉnh được phong-hóa, bảo-tồn được quốc-thể, duy trì được thế đạo, nhân-tâm, thật không phải là một cái Học không có giá trị, đáng khinh rẻ hay quên được. Vả chăng « Tri kim, nhi bất tri cổ, vị tri manh cổ ; tri cổ, nhi bất tri kim, vị trì lục trầm » : ta đã biết truyện đời nay, ta lại cần phải học truyện đời xưa ; ta ôn lại việc đời xưa mà ta rõ được việc đời nay, có như thế, thì cái Học của ta mới không đến nỗi khiếm-khuyết. Vì, tuy chia làm cổ, kim, nhưng chẳng qua cũng chỉ là buổi sớm, buổi chiều trong một ngày của trời đất, kẻ học-giả mà câu-nệ chấp nhất, chỉ biết cổ không muốn biết kim, hay chỉ biết kim không muốn biết cổ, thì sao gọi là « bác cổ thông kim » được !

Cựu-học của ta là gì ? Cựu-học của ta tức là Hán-học, nghĩa là một cái Học chung cho cả mấy dân-tộc ở Á-đông đã chịu cái văn-hóa của giống người Hán tức là người Trung-hoa. Cựu-học không phải là chỉ có Tứ Thư Ngũ Kinh, xưa kia đa số quen dùng cái học cử-nghiệp mà thôi. Ngoại-giả, còn bách gia chư tử thật là man-mác rộng như bể, học-thuyết đủ mọi mặt, lý-tưởng rất sâu-xa, muốn học cho tới nơi, phải mất bao nhiêu công-phu, thời giờ mới được.

Nay, chúng tôi biên tập quyển sách này, không phải là muốn chuyên tâm nghiên-cứu riêng một phái nào hay một nhà nào. Chúng tôi chỉ góp nhặt một đôi chút lý-tưởng trong Cổ-học gọi là để cho người đọc thiệp-liệp qua được một ít tinh-hoa của lối học cũ mà thôi. Nên chúng tôi mới lạm-dụng bốn chữ « Cổ-học Tinh-hoa » làm nhan sách.

Chúng tôi có ý chọn những bài ngắn mà nghĩa lý hàm-súc dồi-dào. Những bài ấy tuy là truyện từ đời xưa bên Tàu, nhưng ứng-dụng vào đời nào và ở đâu cũng được. Vì truyện tuy cổ, nhưng cái chân-lý thì bao giờ cũng là một, mà bao giờ cũng như mới. Nào hiếu-đễ, nào trung-tín, nào lễ-nghĩa, nào liêm-sỉ, đến cả những việc kỳ quái, sinh tử ; bài này chính giọng huấn-giáo, bài kia rõ thể ngụ-ngôn, truyện này nghiêm-trang khắc-khổ, truyện kia khôi-hài lý-thú ; đức Khổng nói « Nhân » hồn nhiên như hóa-công ; ông Mạnh bàn « Nghĩa » chơm-chởm như núi đá ; Tuân-tử nói « Lễ » thật là đường bệ ; Mặc-tử nói « Ái » thật là rộng-rãi ; hình-danh như Hàn phi-Tử thật là nghiêm-nghị khiến người mất bụng làm xằng ; ngôn luận như Án-tử thật là thảm-thiết khiến người dễ đường tỉnh-ngộ ; đến nói đạo-đức như Lão-tử, bàn khoáng-đạt như Trang-tử, thật lại biến hóa như rồng, phấp-phới như mây… Các lý-thuyết mỗi nhà một khác, có khi phản-đối hẳn nhau, nhưng thực khiến cho người đọc vừa được vui, vừa phải đem tâm suy nghĩ.

Dịch những bài văn như thế, chúng tôi lấy làm rất khó. Chẳng những chữ Hán dịch ra chữ Nam lắm câu không hết được nghĩa, nhiều bài, chính nguyên văn cũng mỗi nơi chép một khác không lấy gì làm xác-định. Nên khi dịch, chúng tôi phải châm-chước cân nhắc từng bài, bài thì định thẳng đúng nguyên văn, bài thì chỉ định lấy đại ý, hoặc có bài phải rút bớt, hay thêm ra, cốt cho nó xuôi tiếng Nam và không hại đến nghĩa bài thì thôi.

Dịch Hán-văn ra quốc-văn, tất phải dùng nhiều chữ Hán. Song chữ nào bất-đắc-dĩ phải dùng, thì ở dưới chúng tôi đã có « giải nghĩa » rõ-ràng. Nghĩa ấy thường chỉ là nghĩa riêng trong bài, chớ không phải hết mọi nghĩa của từng chữ.

Những tên người, tên đất, muốn cho tinh-tường, đáng lẽ phải có một cái biểu-liệt đủ tên những tác-giả cùng những người nói trong truyện và một bức địa-đồ Trung-hoa trải qua các thời-đại. Nhưng việc ấy xin để nhường những nhà chuyên về Bắc-sử sau này, đây chúng tôi chỉ chua qua để cho độc-giả đủ biết cái đại-cương mà thôi.

Đọc một bài văn hay, mà tư-tưởng đã thấm-thía vào tâm-não, thì tất không sao để yên ngòi bút mà không phê-bình được. Đó cũng là một cái thông bệnh của những người hâm-mộ văn-chương hay có cái thú ngâm-nga và đưa ngòi bút khuyên liền, khuyên kín vậy. Chúng tôi cũng không tránh khỏi cái bệnh ấy. Nên dưới mỗi bài chúng tôi cũng góp « Lời bàn », cốt là để giải rõ những cái đại ý trong bài hoặc lạm bình một, đôi câu ứng với cái thời buổi bây giờ.

Chúng tôi mạo-muội biên dịch quyển sách này là quyển đầu, có ý bảo-tồn tinh-hoa của cổ-học và mong các bạn thiếu-niên ta nhớ đến nguồn gốc từ bao nhiêu nghìn năm về trước, rõ các điển-tích thường dẫn trong văn-chương nước nhà, thêm được ít tài-liệu có khi làm văn phải dùng đến, rộng được ít trí-thức tuy thuộc về Cổ-học mà thật khác nào « như thóc gạo, như vải lụa », thường cần đến hàng ngày. Nếu quyển sách này, giúp được một phần trong muôn phần ấy, thì chúng tôi lấy làm hoan-hỷ lắm vậy.

Đọc Online Giáo dục Cổ học tinh hoa quyển 1

Đọc Onine

Download Ebook Giáo dục Cổ học tinh hoa quyển 1

Download PDF

Download Epub

Download Mobi

Download AZW3

Exit mobile version