Giới Thiệu Giải mã Phạm Xuân Ẩn
Trước khi loạt ký sự Tướng tình báo chiến lược đăng trên Thanh Niên vào năm 2001, chúng tôi đã gặp Phạm Xuân Ẩn rất nhiều lần. Càng nói chuyện với ông càng thất vọng, vì không thể “moi” được bất cứ một điệp vụ nào. Đọc cuốn sách rất hay của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, cũng chỉ thấy cuộc đời và những triết lý của ông cùng sự thán phục của bạn bè nước ngoài, chứ không thấy ông làm những gì cụ thể. Chúng tôi buộc phải tiến hành một loạt các “điệp vụ” để phăng ra các đầu mối, gặp những “cấp trên” của ông và hầu hết những người còn sống trong mạng lưới, rồi đem những điều biết được ra hỏi ông, lúc đó ông mới chịu “mở miệng”. Chúng tôi biết tới đâu viết tới đó, đăng feuilleton hằng ngày, xen kẽ giữa những tài liệu là những cuộc phỏng vấn chính ông và một loạt các phỏng vấn các người khác. Mỗi buổi sáng ông đọc báo, lại tiếp tục trao đổi, qua điện thoại hoặc chúng tôi đến nhà ông. Ông nhắc đi nhắc lại “không nên tô vẽ”, thỉnh thoảng ông hỏi: “Cái đó ở đâu cậu có ?”. Ông bảo không nên viết dài quá, đến kỳ cuối cùng, ông gọi điện bảo: “Như vậy là được rồi”. Ông đề nghị nên in thành một cuốn sách nhưng “giá phải thật rẻ để người nghèo có thể mua đọc”.
Chúng tôi đã ký hợp đồng với Công ty Văn hóa Phương Nam để xuất bản cuốn sách đó, song phải tiếp tục thu thập tài liệu để có một cuốn sách đầy đủ nhất về ông, nên chúng tôi vẫn chưa làm xong, nhưng Nhà xuất bản Thế giới đã xin phép Báo Thanh Niên lược dịch loạt ký sự đó ra tiếng nước ngoài và in thành sách, một bản bằng tiếng Anh (Phạm Xuân Ẩn – A General of the Secret Service) và một bản bằng tiếng Tây Ban Nha. Tiếp đó, một nhà xuất bản của Đức (GNN Verlag) đã in cuốn sách đó bằng tiếng Đức (Pham Xuan An: Kundschafter für die Befreiung Vietnams). Chúng tôi biết bản tiếng Đức này là do thấy người ta rao bán trên mạng chứ trước đó chúng tôi hoàn toàn không biết gì.
Nhiều nhân vật như ông Mai Chí Thọ, Mười Nho, ông Sáu Trí, ông Tư Cang… xuất hiện với tư cách là những người liên quan trực tiếp với hoạt động của ông Ẩn là từ loạt ký sự và những cuốn sách đó. Một số tác giả nước ngoài viết về ông Ẩn đến phỏng vấn những người này. Ông Ẩn bảo chúng tôi: “Từ cuốn sách của cậu mà họ lần ra được những người đó”.
Sau loạt ký sự nói trên, chúng tôi có viết thêm bài Tầm vóc Phạm Xuân Ẩn đăng trên Thanh Niên Xuân 2004, bài đó ông Ẩn vẫn đọc. Bài duy nhất chúng tôi viết mà ông Ẩn không đọc được là bài Vĩnh biệt nhà tình báo vĩ đại Phạm Xuân Ẩn đăng ngay sau ngày ông qua đời.
Giờ đây chúng ta thật vui mừng vì đã có rất nhiều tác giả trong và ngoài nước viết về nhà tình báo vĩ đại của chúng ta. Loạt bài này chúng tôi viết tiếp để tưởng nhớ Phạm Xuân Ẩn, với tất cả sự chân thực và cẩn trọng đúng như ông mong muốn.