Giới Thiệu Đạo đức Đường sống – Văn thư nghị luận chọn lọc
Cuốn sách mang tên chung là Đường sống – cái tên rất giàu ý nghĩa. Lev Tolstoi là người kiên trì theo đuổi học thuyết của mình, mà học thuyết đó, theo ông là một con đường sống cho sự phát triển của nhân loại. Học thuyết mà Lev Tolstoi theo đuổi và coi là con đường sống, khác với những con đường khác. Đường sống cũng là tác phẩm cuối cùng của Tolstoi, ra mắt độc giả sau khi ông đã qua đời. Đây là cuốn sách rất dày, tập hợp những danh ngôn, những châm ngôn của các hiền triết, các triết gia, các nhà tư tưởng lớn của thế giới, nói về tất cả các phương diện của cuộc sống, các lĩnh vực của cuộc sống, về đạo đức, về giáo dục, về tín ngưỡng, v.v… chia thành 32 chương, trong đây có một chương mà tám phần mười những châm ngôn đó là của Tolstoi, ông không ghi tên tác giả. Đó là lí do cuốn sách mang tên Đường sống, nhân dịp năm nay chúng ta kỉ niệm 100 năm ngày mất của nhà văn hoá Nga Lev Tolstoi, và đây là tác phẩmcuối cùng Lev Tolstoi để lại cho loài người. Tác phẩm này, theo nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư, ngay ở Nga cũng không mấy người biết đến.
——-
“Trích Lời Nhà xuất bản
Theo một nghĩa nào đó, mỗi nhà văn lớn đều là một nhà tư tưởng. Nhà văn thể hiện tư tưởng của mình hoặc một cách trực tiếp thông qua các tiểu luận, các bài phát biểu… hoặc một cách gián tiếp (và thông thường là gián tiếp) bằng các hình tượng văn học. Độc giả Việt Nam đã rất quen với cái tên Lev Tolstoi – nhà văn Nga vĩ đại mà tư tưởng của ông đã được thể hiện gián tiếp thông qua một số kiệt tác như Chiến tranh và hòa bình, Anna Katenina, Phục sinh… Nhưng ít ai biết rằng, những tư tưởng của Lev Tolstoi còn được thể hiện một cách trực tiếp và sinh động với khối lượng đồ sộ các tác phẩm nghị luận và thư từ của ông, mà cho đến nay dường như vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Nhân kỉ niệm 100 năm ngày mất Lev Tolstoi, Nhà xuất bản Tri thức trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc kho tư liệu, do một số điều kiện lịch sử, đã gần như bị lãng quên ấy (ít ra là ở Việt Nam) của Lev Tolstoi dưới sự tuyển chọn, dịch và giới thiệu của dịch giả Phạm Vĩnh Cư và các cộng sự. Để có được cuốn sách mà độc giả đang cầm trong tay, đích thân dịch giả Phạm Vĩnh Cư đã sang Nga tìm tư liệu và tổ chức, điều phối công việc dịch thuật và chú giải. Trong khả năng cho phép, cuốn sách này chỉ tập trung công bố các tác phẩm nghị luận của Tolstoi về tôn giáo, đạo đức giáo dục và khoa học… Còn các tác phẩm nghị luận văn học của ông, chúng tôi xin phép được công bố vào một dịp khác.
Bản dịch sang tiếng Việt các tư liệu tiếng Nga được tuyển chọn đưa vào cuốn sách này đã trung thành hầu như tuyệt đối với ý tưởng và văn phong của Tolstoi. Chấp nhận hay bác bỏ từng ý kiên riêng của Tolstoi là sự lựa chọn của mỗi độc giả. Chúng tôi chỉ xin lưu ý các bạn đọc rằng, đã có một triết gia Nga đương đại khẳng định: loài người còn phải lớn lên hơn nữa thì mới thực sự hiểu được Tolstoi.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!”