Giới Thiệu Con Đường Dẫn Tới Chế Độ Nông Nô – Hayek
Trong đầu thập kỷ 1940, Hayek trở thành một nhà lý luận kinh tế hàng đầu. Sau khi Đệ nhị thế chiến kết thúc, các học thuyết laissez-faire mà ông đề xướng không được John Maynard Keynes và một số nhà kinh tế học khác thừa nhận, những người chủ trương nhà nước phải can thiệp chủ động vào kinh tế quốc gia. Cuộc tranh cãi giữa 2 trường phái cho đến nay vẫn chưa kết thúc mặc dầu quan điểm của Hayek được chấp nhận nhiều hơn từ cuối thập niên 1970. Sau khi không được một trường kinh tế của một trường đại học nổi tiếng nào nhận làm, ông trở thành giáo sư trong Ủy ban Tư tưởng Xã hội tại Đại học Chicago. Ông làm việc tại đó từ 1950 đến 1962. Từ 1962 cho đến khi ông về hưu trong 1968, ông làm giáo sư tại Đại học Tổng hợp Albert-Ludwig Freiburg. Sau đó ông là một giáo sư danh dự (honorary professor) tại Đại học Tổng hợp Paris-Lodron Salzburg. Ông qua đời năm 1992 tại Freiburg, Đức.
Sự Nghiệp
Chu kỳ kinh doanh
Các tác phẩm của Hayek về tư bản, tiền và chu kỳ kinh doanh được xem là những đóng góp đến môn kinh tế quan trọng nhất của ông. Trước đây Ludwig von Mises đã giải thích lý thuyết về tiền tệ và ngân hàng trong quyển Theorie des Geldes und der Umlaufsmittel (Lý thuyết về tiền và tín dụng) (1912).
Vấn đề tính toán kinh tế
Hayek là một trong những người chỉ trích hàng đầu của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 20. Trong quyển sách được nhiều người đọc Con đường dẫn tới chế độ nông nô (The Road to Serfdom, 1944) và nhiều tác phẩm sau, Hayek đã tuyên bố rằng chủ nghĩa xã hội có khả năng dẫn đến chế độ cực quyền cao, vì các kế hoạch trung ương không chỉ hạn chế trong nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Hayek còn cho rằng trong các nền kinh tế được lập kế hoạch ở trung ương, một cá nhân hay một nhóm cá nhân phải định đoạt sự phân chia nguồn lực, nhưng những nhà kế hoạch không bao giờ có đủ thông tin để phân chia chính xác được.
Ảnh hưởng
Ông được đánh giá là người có ảnh hưởng sâu sắc lên các thế hệ kế tiếp nhau của các nhà trí thức và chính trị gia, đặc biệt là qua tác phẩm Con đường dẫn tới chế độ nông nô. Cuốn sách đã đem lại cảm hứng đồng thời gây tức giận dữ dội cho rất nhiều trí thức, học giả, chính trị gia trong suốt sáu mươi năm qua. Tuy nhiên, số người bị cuốn sách chọc tức ngày nay đã chẳng còn mấy.
Những bài viết của Hayek đặc biệt là tác phẩm Con đường dẫn tới chế độ nông nô là một nguồn trí tuệ quan trọng của sự tan rã của niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản. Khi xuất bản cuốn này, ông bị nhiều người xem là “phạm húy” khi gợi ý rằng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản chỉ đơn thuần là hai biến thể của cùng chủ nghĩa chuyên chế mà ở đó tập trung mọi hoạt động kinh tế. Ngày nay, điều này trở thành hầu như bình thường.
Trong tác phẩm ông nêu lên sự khác biệt giữa kế hoạch hóa và dân chủ:
“Có một sự khác biệt căn bản giữa kế hoạch hóa chuyên chế và dân chủ. Kế hoạch hóa chuyên chế đặt mọi nguyện vọng và sở thích cá nhân xuống dưới yêu cầu của nhà nước. Để đạt mục đích này nó sử dụng các phương pháp khác nhau cưỡng bức cá nhân, tước đoạt quyền tự do lựa chọn của cá nhân”.
Phê bình
Hầu như không quá khi nói rằng, thế kỷ XX là thế kỷ Hayek.
John Cassidy, The New Yorker, 07/02/2000
Hoàn toàn có thể là kinh tế học của thế kỷ 21 sẽ còn chịu ảnh hưởng của Hayek nhiều hơn kinh tế học của thế kỷ 20.
Bruce Caldwell, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử Kinh tế học (History of Economics Society), ngày 2 tháng 7, 2000″