Giới Thiệu Có Một Nước Mỹ Khác
Một trong những điển thú vị nhất trong cuốn sách “có một nước Mỹ khác” là sự nhấn mạnh của Mike rằng đói nghèo không chỉ là một trong những đặc trưng của xã hội mà nó là một trạng thái bao trùm!. Trải nghiệm qua bất cứ khoảng thời gian nào, đói nghèo đều khiến con người cảm thấy “vô vọng và thụ động, tuy nhiên dễ bùng nổ bạo lực: cái nghèo là đơn độc và cô lập. luôn cứng nhắc và không thân thiện. Trở thành nghèo không chỉ đơn giản là bị tước bỏ những thứ vật chất của thế giới này. Nó là việc tham gia vào một vũ trụ phù phiếm và tai hại, một nước Mĩ trong nước Mị với một kinh hồn bị bóp méo”.Ở một điểm khác trong cuốn sách của ông, Mike còn đưa ra một mô tả sinh động hơn về những trạng thái quá khích mà theo đó đói nghèo có thể điều khiển con người.
Nước Mĩ khác (kia) đang dần đông đúc thêm với những người không thuộc về bất cứ ai hay bất cứ thứ gì. Họ không còn là những người tham gia vào nền văn hoá dân tộc xưa kia nữa; họ ít mộ đạo hơn; họ không thuộc các hội hay hiệp đoàn. Họ không được thấu hiểu nên bởi vậy bản thân họ cũng không thể thông hiểu. Chân trời của họ trở nên ngày càng thu hẹp dần; họ gặp rất ít người và điều đó có nghĩa họ thấy rất ít lí do để hi vọng.
Khái niệm người nghèo đang dần thoát ra khỏi kinh nghiệm và hiểu biết thuần tuý của dân tộc. Nếu tầng lớp trung lưu không bao giờ tỏ ra xấu xa và bần cùng thì đó ít nhất là một loại hiểu biết về chúng!. “Bên kia những lối mòn” không phải là con đường quá dài để đi… Ngày nay, thành thị Mĩ đã biến đổi. Người nghèo tuy vẫn sống ở khu vực trung tâm, trong các ngôi nhà tồi tàn, nhưng họ dần bị cô lập trong quan hệ với những người khác.
Ngày 29.8.2005, bão Katrina với sức gió 280km/h và áp suất khí quyển 902mbar đã đổ bộ vào New Orleans, miền Đông Nam nước Mĩ. Cơn bão gây tai hoạ làm hơn 1.300 người thiệt mạng, hơn một triệu người mất nhà cửa và thiệt hại vật chất ước tính hơn 70 tỉ USD. Trong lịch sử nước Mĩ, đây là một trong những trận thiên tai có mức độ tàn phá ghê gớm nhất. Kể từ sau trận động đất tại San Francisco năm 1906 đến nay, nước Mĩ chưa gặp thiên tai nào khủng khiếp đến thế .
Nhưng đối với người Mĩ và cộng đồng thế giới, bản thân cơn bão chưa phải là điều tệ nhất. Điều tồi tệ hơn lại nằm ở các vấn đề xã hội khó chấp nhận bộc lộ qua cơn bão. Sự ứng phó của Chính phủ chậm chạp và kém hiệu quả. Hệ thống hạ tầng đảm bảo an sinh xã hội yếu kém. Bộ máy quan chức, hệ thống dịch vụ công quan liêu và không chú ý thoả đáng đến đời sống dân chúng. Dân chúng vùng New Orleans hoá ra nghèo đói, chịu nạn phân biệt đối xử, không được bảo vệ trước rủi ro và chịu nhiều vấn nạn xã hội hơn rất nhiều so với những gì mà giới quan chức vẫn nói về nước Mĩ.
Cơn bão đã làm cho bản thân người Mĩ và dân chúng tất cả các nước khác nhìn nước Mĩ rõ hơn. Nếu như gần đây nói đến nước Mĩ, người ta thường hình dung và tin rằng chỉ có một nước Mĩ – nước Mĩ giàu về kinh tế, năng động về xã hội, tiên tiến về khoa học – công nghệ, độc đoán về chính trị, mạnh về quân sự, về đại thể là một nước Mĩ bá quyền toàn cầu, thì nay, người ta khó mà có thể phủ nhận được có hai nước Mĩ, một nước Mĩ giàu và một nước Mĩ nghèo, thậm chí rất nghèo; nói chính xác hơn, một nước Mĩ của người giàu và một nước Mĩ của người nghèo.
Điều thú vị là sự cảm nhận về hai nước Mĩ không phải là chuyện gì mới lạ, mà ngay từ nửa thế kỉ trước, đã có một người đề cập đến sự nhức nhối của vấn đề một cách bài bản và có lí lẽ. Nhưng sau đó, vì những mục đích vụ lợi, bộ máy tuyên truyền của nước Mĩ với sự thổi phồng những thành tựu có thật đã làm cho hình ảnh nước Mĩ trở nên phiến diện trong con mắt của không ít người.
Đó là vào năm 1962, Nhà xuất bản Baltimore-Maryland cho ra mắt cuốn sách Có một nước Mĩ khác (The Other America). Cuốn sách có phụ đề Sự nghèo khó ở Hoa Kì (Poverty in the United State) và ghi rõ tôn chỉ của mình ở trang bìa “Cuốn sách này phát động cuộc chiến chống lại nghèo khó”. Tác giả cuốn sách này là Michael Harrington. Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã gây tiếng vang trong các chính giới ở Mĩ và nhiều nước khác. Từ đó đến nay, cuốn sách được tái bản nhiều lần và vẫn gây ảnh hưởng đáng kể đến các nhà hoạt động xã hội.
Nửa thế kỉ đã trôi qua kể từ khi cuốn sách của Harrington xuất bản lần đầu, xã hội loài người đã có nhiều biến đổi, nền kinh tế thế giới đã tăng sản lượng tuyệt đối lên gấp nhiều lần, nhưng người nghèo vẫn chìm trong văn hoá của người nghèo – tình trạng nghèo khó vẫn không khác trước bao nhiêu, trong khi thế giới người nghèo ngày càng đông đảo hơn, xa cách hơn với thế giới của người giàu và mức độ nghèo khổ tương đối ngày càng trở nên quẫn bách.
Cơn bão Katrina 2005 một lần nữa đánh thức tính nghiêm túc của điều cảnh báo đặt ra trong cuốn sách: nếu có tiến bộ công nghệ mà không có tiến bộ xã hội, thì hầu như tự khắc sự cùng quẫn của con người sẽ tăng lên, sự bần cùng hóa cũng tăng lên (Michael Harrington, phần Phụ lục cuốn sách).