Giới Thiệu Chủ Nghĩa Tự Do Truyền Thống – Ludwig von Mises
Cuốn sách tương đối mỏng này có tầm quan trọng gấp nhiều lần sức tưởng tượng nếu chỉ nhìn vào độ dầy và ngôn ngữ khiêm nhường của nó. Đây là tác phẩm bàn về xã hội tự do, bàn về điều mà hiện nay có thể được gọi là “chính sách” đối nội và đối ngoại cho một xã hội như thế; và đặc biệt là bàn về những trở ngại và khó khăn, cả thực tế lẫn tưởng tượng, trên con đường thiết lập và giữ gìn hình thức tổ chức một xã hội như thế.
CHÀNG HIỆP SĨ CUỐI CÙNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THUẦN TÚY
Quá nhiều ý tưởng nặng ký trong tác phẩm để đời của Mises, có thể trong những bài viết tới tôi sẽ đề cập sâu hơn, ở đây sẽ chỉ lướt qua như một bài điểm sách nhanh. Chủ điểm bao quát toàn bộ tác phẩm là kiến tạo xã hội tự do dựa trên chủ nghĩa tư bản thuần túy. Chủ Nghĩa Tư Bản (CNTB), một từ đã bị lạm dụng quá nhiều bởi những kẻ đầu cơ chính trị nửa mùa như Joh Kerry, Trump…
Theo ông Chủ Nghĩa Tư Bản là chìa khóa đem sự thịnh vượng tới cho tất cả mọi người, dĩ nhiên kèm theo cả quyền tự do cá nhân mạnh mẽ nhất. Đây cũng là điều nhiều người cố ý bỏ qua. Chủ nghĩa tư bản từ khi ra đời đến nay luôn bị coi chỉ ủng hộ những kẻ giàu có. Sự nhầm tưởng vô cùng tai hại do Karl Marx đã reo mầm mống sau khi ngốn hết đống sách ở thư viện Anh Quốc. Những nhà đại tư bản giàu có ở nước Mỹ hay trên thế giới có được những khối tài sản khổng lồ là nhờ việc tạo ra giá trị lớn hơn rất nhiều cho nhân loại chứ không phải đi bóc lột của người khác. Hơn thế, họ đang dùng tài sản của mình để có những việc làm thiết thực cho sự phát triển của xã hội chứ đâu chỉ giữ khư khư cho mình. Không có Gates, chúng ta chắc đang gẫy tay tính tiền bằng bàn gẩy Trung Hoa anh hùng, hoặc không có chàng Mark chúng ta cũng đang rít điếu cày, chém gió phần phật ngoài vỉa hè đầy bụi.
Trường phái ủng hộ thị trường tự do luôn có những vị trí quan trọng trong chính phủ. Sự phân bổ nguồn lực theo các quy luật của thị trường được tận dụng tối đa, các doanh nghiệp tư nhân có quyền cạnh tranh bình đẳng với các ông lớn của chính phủ.
CNTB không hề phức tạp dù cho hầu hết mọi người đang cố phức tạp hóa nó. Theo Mises đơn giản lắm: quyền sở hữu tư nhân với tư liệu sản xuất. Đối nghịch hoàn toàn với sở hữu công cộng tư liệu sản xuất của Chủ Nghĩa Xã Hội. Trong nhiều tác phẩm sau này Mises vẫn quyết liệt làm sáng rõ lập luận này. Với tôi, Mises sẽ luôn là chàng hiệp sĩ cuối cùng của chủ nghĩa tư bản thuần túy, người tiếp nối thành quả mà Adam Smith đã làm. Đoạn cuối Mise viết:
CNTB không phải là bữa tiệc hoa đầy màu sắc, không cần nhạc nhẽo hay biểu tượng, khẩu hiệu giăng đầy nào cả. Nó chỉ có lý lẽ, chỉ duy nhất điều đó cũng đủ đưa nó đến vũ đài chiến thắng cuối cùng.