Giới Thiệu Chú bé rắc rối
Không biết các bạn như thế nào, chứ tôi thì tôi chưa từng lo cho ai bao giờ. Tôi lo cho chính tôi còn chưa xong nữa là. (mới mở đầu truyện thì nhân vật chính đã tâm sự như vậy rồi, nghe thấy RẮC RỐI). Thực sự thì làm sao, vẫn là giọng văn “đọc tức cười”, cách thắt nút, mở nút đầy bất ngờ của tác giả dẫn ta đi hết rắc rối này đến rắc rối khác. Đọc rắc rối nhưng mà thấy thú vị.
Chương 1: Chú Bé Rắc Rối
Không biết các bạn thế nào, chứ tôi thì tôi chưa từng lo cho ai bao giờ. Tôi lo cho chính tôi còn chưa xong nữa là. Thật đúng hệt như má tôi nhận xét:
– Thân mày, mày còn không biết lo, chẳng hiểu khi lớn lên mày làm được việc gì !
Đó là những lời má tôi than vãn trong lúc đang kỳ cọ tắm rửa cho tôi . Mà tôi thì nào có nhỏ nhít gì, mười ba tuổi rồi, học sinh lớp bảy đàng hoàng đấy chứ. Nói cho đúng ra thì tôi thích tự mình tắm hơn, tha hồ vùng vẫy, nghịch nước bao lâu tùy thích, chẳng ai cấm cản. Nhưng tôi thích là một chuyện, còn má tôi có thích hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Mỗi lần tôi từ nhà tắm bước ra, đầu cổ còn ướt mem, chưa kịp lỉnh ra sân chơi là má tôi đã chộp ngay lấy tay tôi, kéo lại gần:
– Lại đây má coi nào !
Thế là tôi đành phải bấm bụng đứng lại và cố tâm ưỡn ngực ra, bởi vì đó là chổ tôi kỳ cọ kỹ lưỡng nhất. Nhưng vốn biê”t thừa âm mưu của tôi, má tôi chỉ nhìn lướt qua ngực tôi một cái rồi lập tức xoay người tôi lại .
– Trời ơi, con tắm hay là con nhúng nước vậy hả con ? Coi cái cùi tay mày kìa, đất bám một lớp đen sì sì trông phát gớm ! Rồi sau mép tai nữa, rồi hai cái đầu gối … Mày để dành đất cất nhà hả con ?
Rờ tới đâu, má tôi la trời tới đó. Cuối cùng, bao giờ má tôi cũng hạ lệnh:
– Thôi, vô đây tôi tắm lại cho ông tướng !
Má tôi dang hai tay lùa tôi vô nhà tắm như lùa một con heo sổng chuồng, khiến tôi không tài nào chạy trốn. Tôi vừa đi thụt lùi vừa nhăn mặt. Làm ông tướng trong trường hợp này chẳng khoái chút nào . Mặc cho tôi la oai oái, má tôi cứ cặm cụi kỳ cọ cho đến chừng nào da tôi đỏ ửng lên mới thôi .
Nhỏ Ái, em gái tôi, cũng chẳng anh hùng gì hơn tôi . Mỗi lần má tôi tắm cho nó, nó đều la toáng lên như cháy nhà. Miệng nó nhỏ xíu mà nó la nghe muốn bể trời . Vậy mà đến phiên tôi la, nó nấp ngoài cửa cười khọt khẹt y như khỉ đột, thiệt dễ tức !
Thiệt ra tôi chẳng phải là đứa lười biếng. Bằng chứng là tôi học hành rất đàng hoàng. Tôi là học sinh tiên tiến mấy năm liền. Nhờ vậy mà mỗi lần tôi làm hỏng việc gì, bà tôi thường bênh tôi:
– Thôi, rầy nó làm chi ! Có tài phải có tật chớ ! Dòng họ nhà mình đâu có được mấy đứa thông minh sáng láng như nó.
Tôi chẳng biết tôi thông minh sáng láng ở chổ nào nhưng nghe bà tôi bốc tôi lên mây, tôi sướng rơn bụng. Nhưng ba tôi làm tôi cụt hứng:
– Tài gì nó ! Lớn tồng ngồng rồi mà rửa ba cái ly cũng đập bể !
Bà tôi tiếp tục bào chửa cho tôi, mặc dù giọng đã bớt hăng hái:
– Thì đầu óc nó để hết vô sách vô vở, còn đâu lo chuyện khác !
Má tôi đứng về phía ba tôi:
– Má cứ nói vậy cho nó hư ! Ngay ở trường nó, người ta cũng dạy học tập đi đôi với lao động, chớ có ai học suông mà không biết làm đâu !
Tới đây thì bà tôi xuôi xị:
– Tao nói là nói vậy …
Ở chiến trường, khi đầu hàng thì người ta giương cờ trắng, còn bà tôi khi đầu hàng thì “tao nói là nói vậy”. Mỗi lần nghe câu đó, tôi tuyệt vọng hiểu rằng chẳng còn trông mong gì vào sự che chở của bà nữa .
Kết luận về tôi, ba tôi nói:
– Cái thằng tính hời hợt.
Má tôi thì bảo:
– Cái đồ bộp chộp !
Còn bà tôi trước sau như một:
– Ít thấy đưá nào thông minh sáng láng như nó.
Nhưng bà tôi lại thuộc về phe thiểu số. Phải chi ông còn sống, ắt ông sẽ ủng hộ bà tôi ! Lúc nào làm gì sai quấy, tôi thường ao ước như thế.
Trong những cuộc tranh luận về tính cách, phẩm chất của tôi, nhỏ Ái bao giờ cũng đứng ngoài cuộc. Nó nhỏ hơn tôi có một tuổi mà nó khôn hết biết. Tôi biết chắc chắn hễ nó mở miệng ắt nó sẽ chê tôi tối mày tối mặt. Nó rất là “ăn rơ” với má tôi . Nó giống hệt má tôi từ cử chỉ, dáng điệu, đến giọng nói, tính tình. Ai cũng bảo vậy . Nhưng khi nghe mọi người bình phẩm về tôi, nó ngồi im re . Nó sợ phát biểu linh tinh, tôi sẽ trả thù nó bằng cách cốc nó sói trán khi kèm nó học.
Trước nay, không bao giờ tôi chỉ nó học được tới mười lăm phút. Kể ra thì lúc mới ngồi vô bàn, tôi cũng còn “anh anh em em” với nó được một hồi, nhưng hễ giảng tới giảng lui hai, ba lược mà nó chưa hiểu là tôi đâm nổi sùng. Thế là kèm theo mỗi lời giảng là một cái cốc.
Thoạt đầu còn cốc nhè nhẹ, dần dần về sau tôi nện thẳng cánh. Tôi “giảng” tận tình đến nổi nhỏ Ái chịu hết xiết phải khóc thét lên. Âm thanh khủng khiếp của nó khiến cả nhà náo loạn như có giặc. Bà tôi từ trên gác phóng xuống, ba tôi từ phòng làm việc chạy sang, còn má tôi thì vứt bàn chải vào thau quần áo, đâm bổ từ nhà tắm ra, vội vàng đến nổi suýt va đầu vào cạnh tủ kê sát lối đi . Còn tôi thì chui tọt xuống gầm bàn, bất chấp tư cách “thầy giáo” của mình.
Nấp chung với tôi dưới gầm bàn là con Mi-nô . Thoạt nghe nhỏ Ái la trời, nó sợ hãi cụp đuôi lại . Đến khi thấy tôi còn hốt hoảng hơn nó, nó khoái chí vẫy đuôi lia lịa .
Nhưng người ta làm ra bàn ghế là để ngồi chứ không phải để chơi trò trốn tìm nên lần nào tôi cũng bị phát hiện nhanh chóng. Và sau đó, tất nhiên là tôi bị ba má tôi xát cho một trận nên thân về cái tính cộc. Còn bà tôi thì bao giờ cũng bắt đầu bằng câu:
– Thôi, rầy nó làm chi !
Và kết thúc bằng câu:
– Tao nói là nói vậy !