Giới Thiệu Chó Thần
Ngày xưa, ở một phủ nọ miền thượng du, có vị lão quan họ Lê được dân chúng kính yêu như cha già, vì trong bao nhiêu năm cai trị vùng này, cụ đối xử với dân như con cháu trong nhà, không một việc oan ức nào mà chẳng được cụ xét đến.
Vị tri phủ già họ Lê có một con chó rất khôn ngoan, được cụ thương mến như con. Việc quan xong, mỗi đêm cụ nằm ngủ trên sập hút thuốc phiện, con vật trung thành nằm cạnh dưới chân, ngước nhìn chủ đầy vẻ trìu mến, đôi mắt thông minh ý nghĩa tưởng chừng như không là của loài bốn chân. Thỉnh thoảng ông quan già ngừng tay vuốt ve con vật thân yêu rồi bốn mắt nhìn nhau như trao đổi cảm tình không phải nói ra thành lời.
Một đêm, vị lão quan nằm luôn ở sập không dậy nữa. Dân chúng trong vùng thương tiếc khóc đưa không khác nào cha chết. Chôn xong, mọi người ra về, trên ngôi mả mới, con chó trung thành còn nán lại rên rỉ, ứa nước mắt, từng lúc kêu lên áo não.
Người con trai cụ Lê là cậu cả Tông, bấy lâu nhờ sự dạy bảo của cha học hành xuất sắc, được bổ nhậm nối nghiệp người đã khuất. Song Lê Tông tính nết lại khác hẳn cụ phủ, trong việc cai trị thường tỏ ra khắc nghiệt, tham lam, tàn bạo. Đối với cụ phủ Lê trước kia, dân có cảm tình bao nhiêu, thì ngày nay đối với cậu cả Tông, họ lại oán ghét bấy nhiêu.
Cả Tông chỉ bắt chước cha ở một điểm là hút thuốc phiện, hút ngay tối hôm hạ huyệt cụ phủ Lê. Dân chúng phải lo cung cấp đủ số thuốc phiện cho vị tân quan, và lỡ người nào đem nộp thứ thuốc không được ngon là bị nọc ra đánh ngay trước phủ đường.
Một đêm Tông hút nhiều hơn lệ thường, đang nằm mơ màng bên ngọn đèn dầu lạc, bỗng nghe có tiếng động nhẹ rồi thấy con chó nhảy lên sập gụ, nằm dài phía dưới mâm đèn á phiện. Tông muốn quát lên đuổi nó đi, song đã quá say, chỉ lầm bầm mấy tiếng: “Cút đi, đồ khốn kiếp”!
Đôi mắt thông minh của con vật chăm chú nhìn lại khiến Tông khó chịu, ấp úng: “Đồ khốn kiếp”! Rồi im bặt, kinh ngạc, hoảng sợ khi thấy con chó lên tiếng: “Sao cậu lại rủa tôi, đuổi tôi đi? Tôi làm gì hại cho cậu”?
Qua phút hãi hùng, Tông trấn tĩnh lại, nhận thấy sự buồn cười nghe con chó biết nói, mới bảo nó: “Này, mày là loài chó, làm sao biết nói được thế kia”? Rồi Tông không nhịn được cười sặc sụa lên một hồi. Con chó lại nói: “Cậu lầm rồi, cậu tưởng tôi chỉ là chó, thật ra tôi chính là thần”.
– Thần! Thần… chó!
Tông muốn cười phá lên, song đã say đờ đẫn, nên chỉ mở hé hai mắt cười gằn.
– Cậu không tin lời tôi nói à?
Tông lại cười rồi đáp:
– Tao không tin thần thánh gì cả.
– Rồi một ngày kia cậu bắt buộc phải tin, mà ngày đó cũng không xa đâu.
– Ngày đó mà có, là bao giờ mày làm được cho tao thôi chức quan lớn, đóng khố trong rừng đi xin ăn.
Con chó không trả lời ngay, cậu cả Tông không để ý đến nữa, tiếp tục nướng thuốc hút. Trong khi cả Tông ro ro kéo thuốc phiện, con chó lên tiếng kể lại bao nhiêu tội lỗi của con chủ rồi trách: “Cậu hãy nên hối cải đi, theo gương của cụ ngày trước, kẻo tủi cho vong linh người đã khuất”. Tông chán nghe con vật khuyên răn, nhấc đầu lên bảo: “Tao đã chán tai nghe mày nói rồi, thôi mày đi đi”. Giọng con chó trở nên nghiêm nghị: “Cậu đã muốn thế thì mặc cậu. Tôi đi đây, song chẳng mấy chốc đâu cậu lại phải gặp tôi. Cậu hãy nhớ lấy những lời cậu vừa nói: “Bao giờ thôi chức quan lớn, đóng khố trong rừng đi ăn xin”. Nói xong con chó nhảy xuống đất.
Tông ngủ thiếp đi, chập chờn trong ác mộng, đến lúc tỉnh dậy, đầu óc căng lên như búa bổ. Viên quan trẻ tuổi càng ngày càng gắt gao, nha lại được lệnh bắt bớ đòi ăn hối lộ người giàu, hành hạ đánh đập dân nghèo. Con chó không thấy trở lại nữa, Tông cũng quên hẳn đêm gặp gỡ con vật trong thành của cha già.
Một buổi chiều trời giông, mây đen vần vũ, có một sứ giả cùng một toán lính đến trước phủ đường. Người cầm đầu vừa xuống ngựa, ra lệnh báo tin cho quan phủ hay. Quan phủ Tông thường ngày vẫn cấm quân hầu không được đánh thức trong lúc mình đang giấc, nên người nhà chần chờ không dám gọi. Khách lạ lớn tiếng ra lệnh một lần nữa, tên lính hầu cận mới rón rén vào phòng quan phủ run sợ, tâu bẩm. Phủ Tông đang ngái ngủ gắt mắng ầm ỹ lên, nhưng đến khi nghe thấy tiếng khách, liền vội vã phóc dậy khoác áo ra khúm núm tiếp đón. Vì khách kia chính là sứ giả của triều đình đến báo tin nhà vua sắp ngự qua đây nay mai.
Thế là những ngày sau đó, dân chúng sở tại phải khốn đốn trăm chiều, vì quan phủ cho thuộc hạ bắt buộc mọi người phải dẹp bỏ hết công việc để sửa soạn tưng bừng bày hương án trên đường đón tiếp hoàng đế. Nha lại lính tráng được dịp tha hồ làm tình, làm tội dân, hạch xách, quấy nhiễu đủ điều. Lính phủ phải ê tay vì đánh đập, thúc hối dân làm việc quan.
Tới ngày vua ngự đến, phủ Tông vận trào phục lộng lẫy, ngồi cáng che lọng có lính hầu khiêng đi nghênh đón. Khi thấy bóng kiệu nhà vua xa xa, phủ Tông đã xuống cáng, vòng tay đứng chờ cạnh hương án khói trầm nghi ngút. Bỗng từ bụi cây bên đường một con chó phóng ra, chồm lên người phủ Tông mà cắn xé rách nát cả triều phục. Lính hầu hốt hoảng không kịp ra tay, con chó đã chạy mất biến.
Phủ Tông chưa kịp hoàn hồn thì xa giá đã đến. Trông thấy viên phủ áo quần tả tơi, gần như trần truồng, vua nổi giận đùng đùng, xuống lệnh nghiêm trị tức khắc viên quan phạm thượng, dám tiếp đón hoàng đế một cách khiếm lễ, khi quân như vậy.
Phủ Tông rập đầu van lạy kêu ca về tai nạn bất ngờ vừa xảy ra, song chẳng được đoái hoài đến. Nhà vua đã hay biết lối trị dân độc ác của viên phủ tham ô, bèn nhân dịp này mà ra oai thiên tử. Vị quan cận thần được lệnh vua truyền lột hết chức của Tông, giáng làm thường dân và xử trảm ngay tại trước phủ đường về tội khi quân.
Tông bị trói chặt dẫn về đến trước dinh phủ, đã biến thành pháp trường. Trong khi đao phủ đang sửa soạn, một bô lão sở tại đến xin ra mắt vua, tâu xin nhà vua nên nghĩ đến vong linh vị lão quan hiền đức họ Lê thân sinh ra Tông mà tha tội chết cho đứa con bất hạnh. Vua chuẩn y lời thỉnh cầu thành khẩn. Tông thoát chết, lạy tạ nhà vua, lầm lũi kiếm đường lẩn tránh mọi người.
Tông men vào rừng gần đấy, vừa đi vừa chạy, cho đến khi khuất hẳn giữa ngàn cây, không còn thấy bóng người nào, mới vật mình xuống chân một gốc cây mà khóc mùi, hận tủi, nhục nhã. Tông chua xót, mệt mỏi lịm người đi. Đến lúc bừng tỉnh, thấy trời đã xế chiều, trong bụng đói khát cồn cào, lồm cồm đứng lên, thất thểu tìm đến một giòng suối uống nước và kiếm trái cây rừng đỡ dạ. Tông quanh quất ở trong rừng ngày này sang ngày khác, ăn trái rừng, uống nước suối, tránh các lối mòn, sợ người trông thấy cảnh mình điêu vong. Đói lạnh, thú dữ, nhọc nhằn giữa rừng sâu, Tông cắn răng chịu đựng, không muốn trở lại với loài người, vì lòng kiêu hãnh đã bị tổn thương.
Một hôm, Tông đi đến một cánh rừng thưa, trông thấy một túp lều tồi tàn ở gần bờ suối. Sức người đã kiệt, bụng đói thèm cơm khiến Tông không còn giữ kiêu hãnh được nữa. Tông lê gót về phía túp lều, trông như là một chốn Cực Lạc đối với anh lúc bấy giờ. Trước khi đến cửa lều, thấy nước trong ở một con suối, Tông dừng là.i đưa hai tay vốc uống, và nước lên mặt cho tỉnh táo.
Tông kinh hoảng khi nhận thấy gương nước phản chiếu hình ảnh của mình: khuôn mặt hốc hác tiều tụy, thân hình sạm đen, da bọc lấy xương, áo quần tả tơi, bẩn thỉu. Anh đập tan gương nước, như muốn xóa đuổi hình ảnh ghê rợn của mình rồi toan cắm đầu chạy trốn, nhưng đã đuối sức, mất cả thẹn thuồng, lê người vào túp lều tranh.
Cánh cửa mở, Tông thấy hiện ra một người con gái trạc chừng mười lăm tuổi, áo quần nâu thô rách, nhưng trông rất dịu hiền, xinh đẹp. Cô gái thoạt tiên trông không khỏi kinh sợ khi thấy người lạ mặt, nhưng trông lại vẻ tiều tụy, gầy yếu của con người tuấn tú, không thể là kẻ trộm cướp được, nên yên lòng ngay. Một người đàn ông lực lưỡng bước tới sau lưng cô gái lên tiếng hỏi han.
Đấy là một gia đình tiều phu, sống ở ven rừng, lam lũ mà an vui với cuộc sống riêng biệt. Họ mời Tông vào nhà, gặp bữa mời cùng ăn. Chưa bao giờ Tông ăn được ngon miệng đến thế, và cơm đỏ trộn sắn dọn trong chén đá với muối vừng, cà muối, thức ăn thường ngày của nhà này, anh thấy quý trọng gấp bội các món cao lương mỹ vị bày ở đĩa sứ, chén bạc thời làm quan. Người tiều phu không khỏi mỉm cười thích thú khi thấy khách không chê bữa cơm đạm bạc, ăn hết bốn bát đầy có ngọn. Chủ nhà rót mời Tông một chén rượu rừng, anh uống vào tưởng chừng như đã nhấp tiên tửu, thấy cả cuộc đời cao sang vừa qua, chưa bao giờ được ăn uống ngon lành như vậy.
Sau đó Tông lễ phép hết lời cám ơn chủ nhà, rồi chào ra đi. Người tiều phu thấy Tông yếu mệt, bảo anh nghỉ lại đến mai hẵng đi.
Tối hôm ấy, Tông nằm ngủ trên một mảnh chiếu cũ, nhưng cảm thấy khoan khoái nhất đời. Sự nhọc nhằn, thiếu thốn dồn dập trong bao nhiêu hôm tụ lại thành một cơn sốt kịch liệt, sáng hôm sau Tông không gắng gượng ngồi dậy nổi. Trong liền mấy hôm, Tông mê man li bì, nhờ vợ người tiều phu đi kiếm thuốc lá ở rừng về sắc cho uống mới hạ dần cơn bệnh. Khi Tông đã bình phục, người tiều phu mới nói rằng: “Tôi không rõ là anh ở đâu đến, định đi đâu, nhưng nếu anh không chê nhà này, còn có chỗ đụt mưa tránh nắng hơn là lang thang ngoài trời thì mời anh ở lại đây với chúng tôi. Củi rừng không thiếu, miễn là anh chịu khó làm với chúng tôi”.
Tông ngần ngại, ngẩng đầu lên bỗng gặp đôi mắt đen lánh, trong sáng của người con gái đang chăm chú nhìn mình, thắc mắc chờ đợi.
– Tôi ở lại.
Tông chỉ biết nói thế và từ hôm đó, anh bắt đầu chia xẻ đời sống của người tiều phu, những nặng nhọc và vui thú của gia đình nghèo hèn này. Chẳng bao lâu anh học được nhiều điều hay trong lúc đem sức cần lao ra để đổi lấy sự sống, mà suốt quãng đời nghiên bút, kinh sử anh đã không hề biết đến.
Ban ngày vào rừng đốn củi, tối lại Tông còn dạy cho người con gái học dưới ngọn đèn nhựa trám mờ khói. Anh không nề hà một sự khó nhọc nào để giúp đỡ chung quanh, vui vẻ nhận lấy sự tiến bộ mau chóng của cô học trò ngây thơ. Cô gái không dấu được thích thú mỗi lúc gần người trai lạ bí mật, chẳng hề nhắc nhở đến quá khứ, có khi thẫn thờ xa vắng tận đâu.
Hai năm êm đềm trôi qua, Tông hầu như quên hẳn con người quyền quý của mình ngày trước. Cô gái tiều phu bây giờ đã trở nên một thiếu nữ xinh đẹp mà lớp quần áo nâu sồng không làm giảm vẻ tươi sáng của tuổi dậy thì. Vẻ trong trẻo, đằm thắm của cô gái thuần phác đã biến đổi hẳn tính nết độc ác, ích kỷ, kiêu ngạo của Tông trước kia. Anh đã thành ra một người bình thường như mọi người, hàng ngày làm lụng vất vả, nhưng trong lòng êm ả, nhẹ nhàng. Tông bắt đầu hưởng hạnh phúc mà cả quãng đời nhung lụa ở phủ đường không được biết đến, là tình yêu.
Một hôm, Tông vừa hạ xong một thân cây lớn, đang vuốt mồ hôi trán, thì nghe co tiếng kêu rên ở gần, ngoảnh lại trông thấy một con chó đang ngước mắt nhìn anh một cách thảm thương. Con chó đã già lắm, gầy yếu, trông như sắp chết. Tông ngồi xuống đưa tay vuốt ve lên mình con vật, nó đưa mắt nhìn tỏ ý cám ơn. Sẵn mo cơm và cá khô gói theo ăn trưa, Tông lấy một phần cho nó. Con chó chỉ ăn một lúc là sạch nhẵn. Tông im lặng nhìn nó, bỗng sực nhớ lại hình ảnh của mình hai năm trước đây, cũng đến chốn này kiệt sức như con vật đáng thương hiện thời.
Khi Tông vác rìu trở về lều, con chó lẽo đẽo theo sau chân. Đêm đến, mọi người trong nhà lần lượt yên ngủ, Tông đang nằm thao thức, bỗng nghe có tiếng động nhẹ, đoán chừng là con chó đến nằm ở cạnh chân. Tông vỗ về con vật liếm tay mình, rồi trong đêm tối yên lặng bỗng nghe tiếng nó nói: “Anh không nhận ra tôi sao? Chính là tôi đã đưa anh đến đây mà! Anh có nhớ những lời mà anh đã nói với tôi là “nếu anh thôi chức quan lớn, đóng khố trong rừng đi ăn xin”?
Con chó im một lúc lâu rồi lại nói: “Bây giờ anah tin là có thần linh không”? Tông thầm đáp: “Ta tin ở mi và cầu xin vong hồn cha tha tội cho con”.
– Anh có sẵn lòng nghe lời tôi không?
– Nói đi cho ta nghe.
* * *
Hôm sau, đã tối mịt rồi mà chưa thấy Tông trở về. Trọn đêm cũng không thấy đâu. Người con gái thao thức, đợi chờ, khóc thầm. Sáng tinh sương nàng đã cùng cha đi vào rưng, đến chỗ Tông thường đẵn củi, thấy bầu nước và rượu ở gốc cây. Nhìn lên lưng thân cây vừa lột một miếng vỏ lớn, nàng đọc thấy những chữ của Tông đã dùng lưỡi dao sắc cạnh ghi lại rằng: “Tông có việc phải đi, luôn luôn nhớ đến nàng và hẹn sẽ trở lạị”
Trong khi cô gái buồn rầu trở về túp lều giữa rừng thì Tông đã đi xa, theo sau con chó, cũng không tìm hỏi nó đưa mình đi đến đâu.
Tới một ngôi làng, vào buổi phiên chợ đông, con chó làm nhiều trò xảo thuật theo lời bảo của Tông, khiến nhiều người tò mò xúm lại xem, bỏ tiền ra thưởng. Các nhà buôn giàu có tranh nhau mời mọc thày trò con chó kỳ tài về nhà khoản đãi.
Từ làng này qua xã khác, từ huyện nọ đến tỉnh kia, Tông cùng con chó đi đến đâu cũng được thán phục, tặng quà biếu tiền. Hai thày trò sống một cách đầy đủ, phong lưu dọc theo đường gió bụi.
Từ mạn ngược về đường xuôi, người và vật đi, đi mãi. Cái túi vải đeo bên mình Tông đã bắt đầu rủng rỉnh tiền, và mỗi ngày một nặng thêm. Tông chưa hề hỏi con chó là rồi sẽ đi đến đâu. Con chó cũng không nói nữa, và trông cũng chẳng khác gì đồng loại nó, ngoài ra tài múa nhảy và sự thông minh tỏ ra hiểu biết lời nói của người ta.
Một buổi chiều vào lúc trâu bò về chuồng, Tông và con chó đi đến kinh thành. Qua cửa thành đô, Tông hồi tưởng lại năm nào mình vác lều chiếu đi thi, và ngày tên ghi bảng vàng, kết quả bao nhiêu năm khó nhọc dùi mài kinh sử.
Tại kinh đô chẳng mấy chốc tiếng tăm của thày trò Tông đồn đãi khắp mọi nhà. Ngoài các trò múa nhảy tài tình theo lời sai bảo của chủ, con chó còn làm cho mọi người kinh ngạc về sự nhận xét không bao giờ sai. Đàn ông hoặc đàn bà có vợ chồng hay chưa, con cái nhiều hay ít, làm chức nghiệp gì, bao nhiêu tuổi, giàu hay nghèo, con chó đều trả lời đích xác theo ước lệ đã định trước. Thiên hạ truyền miệng đi là chó thần, tiếng đồn đến tai vua. Vua cũng muốn biết qua tài diệu kỳ của con chó, thử xem lời đồn của bá tính có quá đáng chăng.
Có lệnh vua vời vào trước sân rồng để biểu diễn. Tông không khỏi làm cho vua ngạc nhiên thấy một kẻ thường dân ra mắt vua đúng với nghi lễ triều đình. Vua không nhận ra Tông là viên tri phủ đã bị thải hồi. Con chó bắt đầu múa nhảy, vua cười chảy cả nước mắt khi thấy nó chỉ đúng phẩm tước của bá quan theo từng hồi tiếng sủa. Trò cuối cùng là chó làm thơ. Tông xin giấy trắng trải lên sân rồng, buộc bút vào chân chó. Sau khi chấm bút lông vào nghiên mực, chó gật gù suy nghĩ rồi thảo luôn một bài luật thi dâng tặng vua. Chữ viết như rồng bay phượng múa, lời thơ trang nhã, bóng bảy khác thường.
Thị vệ dâng vua ngự lãm, vua sửng sốt thấy chưa có một thi sĩ hữu danh nào đương thời có thể làm được hay hơn bài thơ của con vật bốn chân kia. Trong lúc hào hứng, vua truyền cho Tông cùng con chó từ đây được ở luôn tại viện trong cung nội và được lương bổng nhà vua ban cho.
Tông hết lời cảm tạ ơn vua rồi tâu: “Bệ hạ chỉ mới thấy vài trò tiểu xảo đó thôi, con vật trung thành của thần còn biết được nhiều điều lạ hơn nữa”. Thấy vua càng ngạc nhiên tò mò hơn nữa, Tông bèn thưa: “Nếu bệ hạ muốn chứng kiến thực hư, thần xin bệ hạ cho triệu họp đông đủ văn võ bá quan triều đình lại ở sân rồng”.
Vua nóng lòng muốn xem trò mới lạ, liền chuẩn y ngay đề nghị của Tông và truyền cho khắp triều thần ngày mai phải có mặt. Tông lại xin được hội kiến riêng trong chốc lát với một mình vua trước khi bắt đầu trình diễn các trò phi thường. Lời yêu cầu tuy táo bạo song cũng được chấp thuận trong khi vua đang cao hứng.
Ngày mai lại, trước giờ vua lâm triều, bá quan văn võ tề tựu đông đủ trước sân rồng. Tông và con chó được đưa vào gặp riêng vua ở cấm điện. Vua ra lệnh cho thị vệ tả hữu lui ra, Tông mới thưa rằng: “Tâu bệ hạ, con chó của thần ngoài sự thông minh xuất chúng khác hẳn đồng loại nó, còn có kỳ tài đoán biết được những ý nghĩ thầm kín, những hành động bí mật của người ta mà ngỏ riêng cho thần hiểu, và lại có nhiều ý kiến khôn ngoan thần tình. Nếu bệ hạ cho phép, nó sẽ kể rõ về mỗi vị thượng quan ở triều phục vụ bệ hạ ra sao”.
Vua nghe nói hết sức ngạc nhiên, hỏi Tông làm cách nào. Tông đáp: “Bệ hạ cho thị vệ xướng danh và chức phẩm của mỗi quan triều rồi cho phép con chó của thần được đến gần để nhận xét, đánh hơi từng vị, rồi sau đó, cho nó gặp riêng thần một lúc để thần được nghe báo cáo của nó mà tâu lại cùng bệ hạ”.
Vua lâm triều, phán cho thi hành theo lời đề nghị của Tông. Con chó lần lượt đi qua trước các hàng thượng thư, quan lại triều đình, theo tiếng loa của thị vệ báo danh trước mỗi vị. Các quan bối rối thầm nghĩ là vua định bày trò đùa gì đây, khi thấy con chó dừng lại trước từng người, đứng trên hai chân sau, giương hai mắt ra nhìn xét, đưa mũi đánh hơi quần áo.
Sau đó, Tông và con chó được đưa vào một phòng riêng giữa bốn vách tường kín mít. Con chó nói qua cho Tông hay sự tình để tâu lại, rồi hai thày trò được đưa đến bệ kiến riêng vua.
Sau khi tâu lại những nhận xét của con chó về các quan, nhất nhất đều đúng với sự thực, Tông báo cho vua hay một sự khám phá quan trọng: “Tâu bệ hạ, hiện đang có một cuộc âm mưu tiếm vị, khuynh đảo bệ hạ cùng các quan trung thành với đương triều. Kẻ cầm đầu cuộc phản loạn này không ai khác hơn là quan thượng thư bộ Hình, người đã thọ lãnh ân tứ của bệ hạ nhiều hơn ai hết”.
Vua lặng đi vì kinh ngạc, hãi hùng, Tông kể luôn danh sách của nội bọn mưu phản và kế hoạch của chúng đã trù liệu, rồi phục mình trước ngai vàng tâu rằng: “Thần cúi xin bệ hạ cho mật xét lại để xem thực trạng có đúng thế không. Nếu con chó của thần biết sai và thần tâu man để làm rộn đến bề trên, thì thần xin chịu tử hình về tội khi quân. Ví bằng đúng sự thực…”
Vua đang trầm ngâm suy nghĩ bỗng ngước đầu lên bảo: “Nếu sự thực quả như lời khanh tâu, trẫm sẽ không bao giờ quên công ơn thày trò khanh đâu. Bây giờ trẫm muốn cho khanh cùng con vật trung thành ở riêng một nơi tại cung cấm, không phải thiếu một thứ gì, đợi cho đến khi trẫm xét rõ lời khanh nói có đúng không”.
Theo lệnh vua, Tông được đưa đến một cung riêng, có sẵn người hầu hạ và quân sĩ tuốt gươm trần canh gác bên ngoài. Ba hôm sau một vị cận thần đến mời Tông đi. Qua dẫy cung điện sơn son thếp vàng, Tông theo chân vị quan triều đi vào giữa chánh điện, trông thấy vua đang ngồi trầm tư trên ngai rồng. Tông toan quỳ xuống thi lễ thì vua đã bước xuống ngai đỡ dậy mà bảo rằng: “Trẫm cho phép khanh từ đây là thần dân duy nhất được miễn quỳ lạy trẫm, để ghi nhớ công khanh đã giúp trẫm giữ vẹn long thể và ngôi báu, giúp giang sơn khỏi nạn binh đao. Tất cả những lời khanh tâu đều được chứng nghiệp chính xác. Lũ loạn thần bị bắt đều đã thú tội. Chúng sẽ được xử theo phép nước”.
Vua không dấu nổi kinh hoàng vừa khám phá ra âm mưu thí vua của đám gian thần, xúc động nói với Tông: “Trẫm không biết khanh là ai, ở đâu đến, nhưng từ đây trẫm muốn khanh ở bên mình trẫm, với chức Quốc Sư, tước quan nhất phẩm triều đình của trẫm ban cho khanh. Trẫm lại cho khanh được phép ra vào trong cung cấm, muốn gặp trẫm bất cứ lúc nào cũng được, và khanh chỉ ở dưới quyền của trẫm thôi”.
Vua dành riêng cho Tông một dinh thự lớn, ban cho bao nhiều vàng bạc, châu báu, gấm vóc, và mỗi khi quyết định việc gì quan trọng cũng đều hỏi ý kiến vị quốc sư. Sống trong cảnh quyền thế, nhung lụa, Tông cũng không thấy gì là sung sướng, người ta không bao giờ thấy Tông cười. Một hôm, vua thân mật hỏi chuyện nguyên nhân sự buồn bã của vị Thượng Khanh, Tông mới thành thật tâu rằng mặc dầu được hưởng bao nhiêu đặc ân của vua ban cho, không bao giờ tông thấy lòng vui thú giữa chốn cung vàng điện ngọc, và xin phép vua được trở về quê nhà thăm phần mộ cha già. Vua không muốn rời xa ân nhân, song cũng đành phải nghe theo lời thỉnh cầu của Tông.
Mấy hôm sau, trên đường về quê, Tông không còn phải là kẻ dắt chó làm trò nữa, mà oai vệ ngồi trên con tuấn mã vua ban cho, đi giữa đoàn lính tráng cờ lọng uy nghi theo hầu. Về đến đầu làng, chỗ ba năm trước đây Tông quỳ rước vua bị con chó cắn xé áo mũ gây ra bao nhiêu nông nỗi, Tông xúc động xuống ngựa bảo đoàn tùy tùng dừng lại. Anh đi lại tảng đá bên đường, ngồi ôm đầu suy nghĩ. Đến lúc ngẩng đầu lên, Tông không khỏi ngạc nhiên thấy một dám rước trọng thể do viên tri phủ sở tại dẫn đầu đi đón, Tông lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe vị quan đã thay mình ba năm trước đây phụng đọc chiếu vua bổ nhậm Tông cai trị vùng này.
Dân chúng hay tin vị Quốc Sư thân cận của hoàng đế đến hạt mình, già trẻ lớn bé rủ nhau đi xem đầy đường, tiếng chào mừng dậy đất khi thấy Tông ngồi trên mình ngựa hiện ra. Tiếng ồn ào bỗng im bặt khi người ta nhận rõ vị thượng quan nhất phẩm triều đình chính là viên phủ độc ác trước đây đã làm cho tất cả dân chúng trong vùng khiếp sợ. Tông mỉm cười nhảy xuống ngựa, cho gọi các bô lão đến mà nói rằng: “Xin các cụ yên tâm và bảo con em hãy yên lòng. Người trở về hôm nay không phải là người mà dân đã xua đuổi trước đây. Xin bà con biết cho rằng con trai của cụ phủ Lê ngày trước sẽ cố gắng được xứng đáng với danh tiếng của ông cha. Có một điều tôi muốn cho tất cả rõ: con chó ở bên cạnh tôi đây, là bạn trung thành của thày tôi trước kia, đã giúp cho tôi được như ngày nay, phải được mọi người trọng vọng cũng ngang bằng tôi. Tôi đã hối cải về những sự lầm lỗi ngày trước, bây giờ tôi còn sống là để mà làm việc giúp dân”.
Tông giữ đúng lời hứa, dân chúng trong vùng lại được sống yên lành với một vị quan cai trị công bình, nhân đức. Con chó vẫn ở bên cạnh Tông, yên lặng không hề nói nữa. Một tối bất ngờ nó lại lên tiếng bảo Tông: “Anh đã nghĩ tới việc lấy vợ để sinh con nối dõi giòng họ chưa”? Tông mỉm cười đáp: “Đã, nhưng lần này tôi không nghe ai đâu, tôi tự ý quyết định lấy một mình thôi”. Con chó không nói gì nữa, sằng sặc trong miệng như cười.
Ngày hôm sau, Tông sửa soạn ra đi, theo sau một đoàn người ngựa chuyên chở nhiều lễ vật. Mặc dù Tông không nói trước là đi đâu, song con chó đã đoán biết trước, chạy đi đầu dẫn đường. Băng rừng, lội suối, đến gần chiều tối đoàn người ngựa tới trước túp lều của người tiều phu mà Tông đã sống qua hai năm trời lao lực.
Cô gái sợ hãi thấy một toán quân đến trước nhà mình, chạy trốn vào trong. Cả nhà vừa sợ, vừa mừng khi thấy lại Tông áo mũ xênh xang ra mắt.
Lễ cưới của tri phủ Tông với con gái người tiều phu cử hành lớn lao. Tất cả dân nghèo trong vùng đều được mời đến ăn uống linh đình luôn ba hôm liền. Vua phái sứ mang tặng vật quý giá đến mừng. Sau đó, Tông mời cha mẹ vợ về dinh ở, song ông bà nhất quyết không bỏ chốn rừng núi đã quen thuộc.
Mấy tháng sau, Tông được tin mừng là vợ đã có thai, cùng với tin buồn là con chó già nằm ngủ luôn không dậy nữa. Đám táng con chó được cử hành rất trọng thể, vợ chồng Tông mặc tang phục đi sau linh cửa, cùng với đủ mặt dân chúng trong vùng theo đưa.
Mộ con vật có nghĩa được xây cất lớn lao, có bia ghi chép công trạng, còn lưu truyền đến ngày nay. Qua bao nhiêu đời, câu chuyên con chó thần vẫn còn nhắc nhở trên cửa miệng dân chúng miền thượng du.