Nếu như các bậc bô lão không tin tưởng trọn vẹn vào sự lãnh đạo anh minh của hai vua Trần thì sẽ chẳng thể có tiếng “ĐÁNH” được vang lên một cách mạnh mẽ ở điện Diên Hồng. Thái sư Trần Thủ Độ vì tin tưởng hoàn toàn vào tài thao lược của Tiết chế Trần Hưng Đạo, vào nguồn sức mạnh to lớn từ nhân dân mà ra nên đã khẳng khái bảo đảm cho vua Trần không việc gì phải quá sợ hãi mặc dù thế giặc hung hãn như nước lũ. Niềm tin đó, niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc đã tạo nên những tấm gương trung nghĩa, đi vào cái chết nhẹ như không của Trần Bình Trọng hay can đảm gá nghĩa để làm chậm bước tiến quân địch của An Tư công chúa. Ấy là những con người đã được sử sách ghi tên lại, còn hàng nghìn người lính khác – vô danh, những người nông dân bình thường bỗng một ngày vươn vai thành Thánh Gióng để một mình chọi nhau với năm sáu quân Thát Đát mà không chút sợ hãi. Vì sao mà họ làm được như vậy? Sự dũng cảm đó không tự nhiên từ trên trời rơi xuống, sức mạnh đó không vô cớ mà hình thành, tất cả từ niềm tin không lay chuyển được đặt vào những vị tướng lãnh đạo mình, từ những người bạn cùng chiến đấu với mình. Có lẽ, họ đã nghĩ, nếu họ ngã xuống thì người phía sau sẽ tiến lên mạnh mẽ hơn và hoàn thành nốt nhiệm vụ Sát Thát còn dở dang. Niềm tin của vua với quần thần về tài năng của họ, với nhân dân về lòng trung nghĩa sắt son, niềm tin của bề tôi về sự sáng suốt của vua, niềm tin của tướng lĩnh với quân dân… Tất cả, tất cả những điều đó làm nên một thể thống nhất mạnh mẽ, một sức mạnh đủ lớn để đánh tan vó ngựa Mông Cổ từng gieo rắc kinh hoàng, một khí thế chưa từng có từ trước tới giờ mà ta hay quen gọi nó dưới cái tên chung là “hào khí Đông A”. Tạp chí kỳ này dành trọn phần lịch sử để tìm hiều về “hào Khí Đông A”, phần còn lại là một cuộc lãng du về thành Nam – nơi phát tích của nhà Trần.Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc.