Giới Thiệu Cháu Ông Rameau – Denis Diderot
Cháu Ông Rameau là một người có thật, tên là Jean-François Rameau, cháu gọi nhạc sĩ nổi tiếng Jean-Philippe Rameau (1683 – 1764) là bác ruột. J-F. Rameau kém Diderot vài tuổi. Hắn vốn là một gã đê tiện, sống cuộc đời ăn bám bằng cách nịnh hót hoặc làm trò hề mua vui cho những kẻ có tiền bạc và đến năm 1771 thì chết trong một nhà tế bần dành cho những kẻ vô gia cư.Tiểu thuyết viết theo hình thức đối thoại giữa “Tôi” và “Hắn” trong tiệm giải khát La Régence ở gần Hoàng Cung, vào một buổi chiều, bên cạnh những người đang chơi cờ. Nếu như đối thoại choán gần hết từ đầu đến cuối trong ý kiến ngược đời về diễn viên, chỉ mãi đến khi gần kết thúc mới xuất hiện vai trò của người kể chuyện, thì ở Cháu Ông Rameau, người kể chuyện xuất hiện nhiều hơn. Tác phẩm mở đầu bằng lời của người kể chuyện: “Dù đẹp trời hay thời tiết xấu, tôi có thói quen cứ đến năm giờ chiều đi dạo ở Hoàng Cung. Thiên hạ luôn thấy tôi chỉ ngồi một mình, mơ mộng trên chiếc ghế dài ở Argenson. Tôi trò chuyện với bản thân tôi về chính trị, về tình yêu, về thị hiếu và về triết học. Tôi mặc cho đầu óc tôi tha hồ bông lông…” Tiếp đó câu chuyện giữa “Tôi” và “Hắn” hơn hai chục lần bị ngắt quãng bởi lời của người kể chuyện, đó thường là những đoạn ngắn với lối văn tự sự, kể chuyện ở ngôi thứ ba.Rameau không đơn thuần là sản phẩm thụ động của xã hội. Hắn còn vượt lên trên xã hội, quan sát nó bằng con mắt có ý thức và trí thông minh sẵn có. Hắn mò mẫm tìm ra nguyên nhân của những bất công trong xã hội: “Sự sắp đặt quỷ quái gì mà có những kẻ ngốn đầy ứ đủ thứ, trong khi những người khác có cái dạ dày quấy nhiễu như họ, có cái đói tái phát như họ, mà lại chẳng có gì để đút vào miệng”. Hắn hiểu rằng “trong thiên nhiên có các loài vật xâu xé nhau, trong xã hội có các giai cấp xâu xé nhau”. Nhưng Rameau lại rút ra kết luận muốn trở thành “một tên kẻ cướp sung sướng giữa những tên kẻ cướp giàu có”, vì hắn lý luận rằng “người ta phỉ nhổ một kẻ lưu manh tầm thường, nhưng không thể không cảm phục một tên đại gian đại ác”.Rameau chính là hình ảnh lớp người đang vật lộn trong xã hội lúc bấy giờ để tự khẳng định, nhưng cuộc đấu tranh của họ không vượt ra ngoài khuôn khổ của chủ nghĩa cá nhân do đó rơi vào bế tắc.