Giới Thiệu Các Cuộc Thương Lượng Lê Đức Thọ-Kissinger Tại Paris
Chúng tôi đã xuất bản cuốn “Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ” trước Hội nghị Paris (năm 1990, tái bản năm 2000) và cuốn “Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris” (năm 1996). Theo yêu cầu của nhiều bạn trong và ngoài nước, nay chúng tôi tái bản hai cuốn thành một tập duy nhất với những bổ sung cần thiết để người đọc có thể có bức tranh liên hoàn của quá trình chuyến biến ngoại giao từ chiến tranh sang hoà bình ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh đến nay đã kết thúc gần ba mươi năm, mộ các chiến sĩ đã xanh bất chấp lòng người chưa vơi bớt nhớ thương.Trong thời gian đó, ông Mac Namara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống L.B. Johnson, suy nghĩ ngày đêm để tìm xem có cơ hội hoà bình nào ở Việt Nam bị bỏ lỡ hay không. Ông bà cùng nhiều tướng tá Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam và nhiều nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu Mỹ sang Việt Nam trao đổi ý kiến với các cựu đối thủ của họ với lòng mong muốn cùng nhau tìm sự xác nhận rằng bên này hay bên kia đã bỏ lỡ những cơ hội kết thúc cuộc chiến tranh. Là người cùng dự hội thảo với họ, tôi thấy họ đã phân tích mọi tài liệu có thể có, lật đi lật lại các vấn đề, xem xét mọi khía cạnh trong những cuộc tranh luận cởi mở, thẳng thắn. Rất tiếc, sau nhiều cuộc gặp nhau, các nhà nghiên cứu Mỹ đi đến kết luận “tranh cãi không cùng” (argument without end).
Năm 1962, Mỹ ký Hiệp định Genève về trung lập của Vương quốc Lào nhưng ngay sau đó lại bác bỏ một đề nghị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam về việc chấm dứt chiến tranh và đưa miền Nam Việt Nam vào con đường hoà bình trung lập theo mô hình Lào. Một lần nữa, Washington đã bác bỏ một giải pháp mà chính họ đã chấp nhận. Chẳng phải đó là hai cơ hội hoà bình mà Mỹ đã bỏ lỡ đó sao?
Từ thực tế đó người ta buộc phải đặt câu hỏi họ muốn gì, hoà bình hay chiến tranh, khi họ nói thiện chí hoà bình. Chỉ kể từ Westphalie, cái gì bảo đảm hoà bình giữa các Quốc gia, từ khi có Liên Hiệp Quốc cái gì bảo đảm an ninh thế giới? Ai cũng hiểu rằng đó là sự tôn trọng chủ quyền của các Quốc gia, đó là sự từ bỏ sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các Quốc gia. Ông Mac Namara muốn chấm dứt chiến tranh nhưng quyền tiếp tục hay chấm dứt chiến tranh nằm trong tay Tổng thống Johnson, việc ông rời bỏ Lầu Năm Góc là chuyện dễ hiểu. Mà chừng nào ông Johnson còn ảo tưởng chặn được chủ nghĩa cộng sản ở vĩ tuyến 17 Việt Nam thì ông còn chưa chịu xem xét mọi cơ hội hoà bình ở Việt Nam. Ngay ông Nixon đã ở trong tình thế phải chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, chịu rút quân Mỹ về nước rồi mà vẫn còn muốn duy trì Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu để Thiệu tiếp tục chiến tranh với vũ khí và Cố vấn Mỹ. Rõ ràng chừng nào những người cầm quyền Mỹ còn nghĩ có thể chiến thắng Việt cộng thì không làm gì có cơ hội hoà bình trừ trường hợp Việt cộng chịu chấm dứt chiến tranh theo điều kiện của Mỹ.
Cái gốc của vấn đề không phải là có hay không có cơ hội hoà bình, là chấp nhận hay khước từ cơ hội, mà là tôn trọng hay không tôn trọng chủ quyền của nhau, là sử dụng hay không sử dụng vũ lực trong quan hệ với nhau, đơn giản là tôn trọng hay không tôn trọng hoà bình, an ninh thế giới.
Có người Mỹ đã nhắc đến bài thơ của thi sĩ Samuel Taylor Coleridge về người thuỷ thủ già giết con hải âu, con chim thành kính mang điềm lành tới người đi biển, để rồi con tàu gặp không biết bao nhiêu gian nan, hiểm hoạ. Đó chính là bài học của chiến tranh Việt Nam về xử lý quan hệ ngoại giao giữa các Quốc gia.
Việc tìm kiếm hoà bình ở Việt Nam đã kéo dài, đầy khó khăn và trở ngại. Nhưng
“Đến khi kết thúc mọi sự tìm kiếm
Ta sẽ tới nơi mà chúng ta đã bắt đầu.”
T.S. Eliot
Cuối cùng chiến tranh đã chấm dứt ở Việt Nam. Chúng ta vui mừng là hai nước đã khép lại quá khứ, ra sức lấp bằng cái hố ngăn cách mà chiến tranh đã khơi ra, bình thường hoá quan hệ với nhau. Một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hữu nghị và hợp tác, bắt đầu vì hoà bình và phát triển.
Hà Nội, mùa Xuân năm 2002
Lưu Văn Lợi