Giới Thiệu Bất Khuất
Theo dõi bước chân Nguyễn Đức Thuận trên từng trang, từng trang BẤT KHUẤT, người đọc nhiều lúc nín thở, hồi hộp, xúc động đến trào nước mắt, trái tim căng lên, sôi sục máu căm thù. Nguyễn Đức Thuận dẫn chúng ta đi theo anh trên con đường đầy đau thương, khổ ải, trong hơn ba ngàn ngày, trải qua những lò giết người cực kỳ man rợ, man rợ hơn cả bọn đao phủ thời Trung cổ, hơn cả bọn phát xít Hitle.
Qua gần ba nghìn cửa ải, từ Pêcarangđo, nhà lao Gia Định, trung tâm Thủ Đức, Tổng nha đến Côn Đảo, sa vào những chuồng cọp, địa ngục trần gian đầy rẫy ác ôn quỷ dữ là tập đoàn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai mổ bụng ăn gan, uống máu người không biết tanh, Nguyễn Đức Thuận cùng với biết bao nhiêu chiến sĩ cộng sản kiên cường, biết bao nhiêu người Việt Nam yêu nước, đã đối mặt với quân thù, chống chào cờ ba que, chống học tập “tố cộng”, chống “ly khai” tới cùng. Tám năm trời đằng đẵng, ba ngàn ngày mà mỗi phút, mỗi giây, mạng người bị treo bằng một sợi tóc mỏng manh, chơi vơi trên một vực thẳm kinh hồn. Hơn một ngàn đồng bào đồng chí chúng ta dã hy sinh. Nhưng Nguyễn Đức Thuận và những con người kiên cường như anh vẫn đứng vững trong chuồng cọp, đánh bại lũ diêm vương quỷ sứ, đẩy lùi bàn tay thần chết, bắt lũ chúng phải quỳ lạy dưới chân mình.
Mỗi trang BẤT KHUẤT là một trang thấm máu và nước mắt, tràn đầy một sức sống mãnh liệt, vang lên tiếng hát yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người, vang lên bài ca chiến thắng không bao giờ tắt. Với trên bốn trăm trang hồi ký, Nguyễn Đức Thuận đã phản ánh sâu sắc cuộc sống anh hùng với tinh thần cách mạng tiến công của những con người có thực, vạch trần hiện thực đen tối trong những địa ngục của xã hội miền Nam dưới gót sắt của một lũ sói lang mặt người dạ thú. BẤT KHUẤT tỏa ra một niềm tin bất diệt vào sự nghiệp cách mạng, vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa giải phóng con người, nêu cao phẩm giá của những con người nhần thức được quy luật và chân giá trị cuộc sống, biết sống và biết chết xứng đáng là Người.
I.THÀ CHẾT TỰ DO CÒN HƠN SỐNG NÔ LỆ .
Từ xưa đến nay, sống và chết vẫn là vấn đề nóng hổi được đặt ra ở bất kỳ một thời đại nào, một dân tộc nào. Sống sao cho ra sống, chết sao cho ra chết, bởi vì người ta sống chỉ có một lần, chết cũng chỉ có một lần mà thôi. Thực ra, nào ai ở trên đời này lại thích chết. Tất cả mọi người đều muốn sống tự do và có hạnh phúc. Nhưng tham sống sợ chết không phải là lẽ thường của mọi người, mà chỉ là tâm lý chung của những phường giá áo túi cơm, của những kẻ sống cho thể xác, sống cho bản năng động vật của mình. Họ sợ cái chét của thể xác mà đành để mặc tâm hồn chét mãi mãi trong im lặng, trong cô đơn, trong vô nghĩa, hoặc trong sự cầm tù.
“Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Những lời kêu gọi đanh thép của Hồ Chủ tịch trong những ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp trước kia và đối với những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ ngày nay, đã nói lên chân lý về con đường sống và chết; chân lý đó được thể hiện ở những con người kiên cường trong BẤT KHUẤT.
Phát huy đạo lý làm người của cha ông chúng ta, những người cộng sản, những người theo lý tưởng cộng sản, nhân dân cả nước ta từ Nam chí Bắc nhất định không chịu sống cúi đầu, quỳ gối, khong chịu làm nô lệ sống kiếp ngựa trâu, vì đó không phải là lẽ sống, vì “đó là sự tồn tại vất vưởng khong xứng đáng với con người” (Phu xích).
Từ trong buổi bình minh của lịch sử nước ta, cậu bé làng Gióng vươn mình lên cao mười trượng đánh tan quân thù cướp nước rồi bay bổng lên trời, cho đến Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Trần Phú, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi… vẫn mãi mãi sống trong lòng nhân dân. Nhân dân ta bao giờ cũng lạc quan, mơ ước và kiên quyết đầu tranh giành lấy một cuộc sống hạnh phúc, tự do; nếu có phải hy sinh thì nhân dân ta nhìn nhận cái chết vinh quang là một lẽ sống. Trần Bình Trọng đã mắng vào mặt quân thù xâm lược: “Tao thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Hoàng Văn Thụ trước giờ lên máy chém vẫn bình tĩnh và thanh thản với câu thơ bất diệt: “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”.
Nguyễn Đức Thuận và các đồng chí, đồng bào yêu nước đã tiếp tục phát huy truyền thống về đạo lý làm người đó của nhân dân ta, nêu cao lẽ sống vì dân vì nước, vì hạnh phúc chung của mọi người. Khi bọn tay sai đế quốc Mỹ tìm đủ cách dạo nạt, tra tấn, phỉnh phờ anh: “Ông không “ly khai” thì tiếng hát, tiếng chào cờ, tiếng hô khẩu hiệu ở trại Hai hỏi có thêm được là bao? Cũng chỉ vang thêm một tí ti. Nhưng đối với bản thân ông thì lại là cả một vấn đề sống chết. Và đối với vợ con ông thì là cả một vấn đề hạnh phúc hay mồ côi góa bụa… Chết đi, ông còn gì nữa? Mất hết! Đảng nào biết cho ông? Vợ con nào biết cho ông? Ông để lại được gì cho vợ, cho con?” Anh đã trả lời dứt khoát: “Với chúng tôi, không phải chỉ có vấn đề sống chết và hạnh phúc cá nhân. Ben cạnh cái sống, cái chết và hạnh phúc cá nhân là những điều chúng tôi rất quý trọng – chính vì quý trọng mà chúng tôi làm cách mạng, còn có uy tín của Đảng, còn có lí tưởng cách mạng, còn có phẩm chất của con người mà chúng tôi coi cao hơn tất cả. Chúng tôi yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, do đó cuộc sống và cái chết của chúng tôi đều nhằm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tôi chết ở đây cũng như góp một viên gạch vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Tôi làm tiếp truyền thống chống ngoại xâm của ông cha ta. Tôi chết đi là nối gót tiền nhân, nối gót các đồng chí của tôi…”