Giới Thiệu Bài Học Hillary
Bà là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất, nổi bật nhất của nước Mỹ và có lẽ là cá nhân duy nhất gây nhiều bất động nhất trong quang cảnh chính trị Mỹ. Mặc dù có hàng chục cuốn sách viết về bà, song chưa có cuốn nào phác hoạ được một Hillary đích thực – về cá tính, về chính trị với đầy đủ sự đa dạng trong tính cách của bà.
“Bài học Hillary” tiết lộ sự thoả thuận bí mật giữa Hillary và Bill, hình thành từ thập niên 1970, nhằm chiếm lấy Nhà Trắng, và cho thấy bằng cách nào mà một khi ông Bill được bầu lên đúng theo dự kiến, thì kế hoạch đó sẽ được mở rộng để bao hàm cả nhiệm kỳ tổng thống của bà Hillary. Van Natta và Gerth giải thích cuộc cạnh tranh mười lăm năm của bà với ông Al Gore và cuộc cạnh tranh mới mẻ của bà với ông Barack Obama. Cuốn sách Bài Học Hillary tiết lộ hơn mười trường hợp trong đó Hillary vi phạm rõ ràng các quy tắc đạo đức của Thượng viện, việc bà tham vấn một lực lượng đặc nhiệm bí mật trong lúc làm việc ở thượng viện, những chi tiết mới rất đáng kể về hoạt động tư pháp nhiều nghi vấn ở Arkansas, thông tin mới về mối quan hệ của Vince Fotser với Hillary và vai trò bí mật của bà trong việc giấu kín câu chuyện thật về bản khai quân dịch của chồng. Gerth và Van Natta đưa chúng ta vào bên trong cuộc hôn nhân phức tạp của vợ chồng Clinton, lý giải bằng cách nào – và tại sao – nó tồn tại qua những thắng lợi chính trị lẫn những đêm đen của sự phản bội. Hai tác giả cũng tiết lộ những chi tiết chưa từng được công bố trước đây về cuộc bỏ phiếu gây nhiều tranh cãi của Hillary với cuộc chiến tranh Iraq.
Tất nhiên Hillary Clinton không phải là chính trị gia duy nhất thổi phồng những thành tích quá khứ của mình, đào sâu chôn chặt những chuyện không vui trong quá khứ vào những xó xỉnh ít người nhìn thấy, phạm sai lầm và rồi giả vờ như không hề làm như vậy. Bà không phải là chính trị gia duy nhất nói một đằng làm một nẻo, bỏ rơi bạn bè và đồng minh cũ bên lề đường khi tiến lên phía trước. Bà cũng không phải là chính trị gia duy nhất ở Mỹ có một tham vọng quá đổi lớn lao và một lòng say mê quyền lực và tiền bạc (nhất là tiền ủng hộ một chiến dịch tranh cử tốn kém). Sự thật là bà có tất cả những điểm này, như hầu hết các “tay chơi” trên sân khấu quốc gia.
Hillary Rodham Clinton là người độc đáo vì trước đây chưa tứng có một ứng cử viên nào sáng giá và chiếm được sự quan tâm của công chúng lâu dài đến như vậy, mà công chúng lại không tìm hiểu những sự kiện hết sức cốt yếu để cuối cùng có thể hiểu được bà. Trong nhiều thập kỷ, Hillary và Bill Clinton, cùng với một nhóm ủng hộ viên và bạn bè thân cận, đã kể một câu chuyện. Và đã đến thời điểm của một câu chuyện khác. Được tường thuật một cách xuất sắc, Bài học Hillary là tác phẩm thật sự cần thiết với những người cần tìm hiểu về Hillary Rodham Clinton.
Chúng ta sẽ có một nữ Tổng thống vào năm 2010.
– Hillary Rodham Clinton, năm 1991
“KHI NÀO THÌ MỘT PHỤ NỮ trở thành Tổng thống Hoa Kỳ?”
Câu hỏi như trêu ngươi đó được truyền đi khắp nước Mỹ vào một buổi tối thứ ba, tháng 9 năm 1934. Đối với nhiều người, ý tưởng về một nữ tổng tư lệnh có lẽ hơi phi lý, nếu để ý rằng phụ nữ chỉ mới giành được quyền bầu cử mười bốn năm trước đó. Nhưng đối với Lillian D. Rock – một luật sư trẻ, một nhà hoạt động cho nữ quyền, chẳng có gì khó hình dung cái ngày lịch sử khi người dân Mỹ bầu lên nữ tổng thống đầu tiên của mình.
Bà Rock đã nêu câu hỏi trên cho bà Eleanor Roosevelt trong chương trình phát thanh hàng tuần của Đệ nhất Phu nhân, phát đi từ Trung tâm Rockefeller ở Manhattan, New York. Ở mỗi chương trình, bà Roosevelt đều đưa ra một số lời nhận xét về các tin tức trong ngày, trước khi trả lời câu hỏi của thính giả. Phần lớn những cuộc hỏi đáp này diễn ra theo thông lệ và có phần nhàm chán, nhưng câu hỏi của bà Rock – được lan truyền khắp nước Mỹ trên sóng phát thanh của đài NBC – có vẻ đã gây ngạc nhiên cho Đệ nhất Phu nhân và bà đã phải yêu cầu cần một phút suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời. Trong lúc dàn nhạc Beautyrest Orchestra (chương trình phát thanh do công ty sản xuất nệm Simmons tài trợ) chơi bản nhạc Khói trong mắt em (Smoke Gets in Your Eyes) thì bà Roosevelt ngồi sau chiếc micro tráng bạc, bóp óc suy nghĩ tìm câu trả lời tốt nhất.
Khi bản nhạc kết thúc, người dẫn chương trình nói, “Bà Roosevelt đã hứa sẽ đưa ra quan niệm của bà cho câu hỏi của thính giả Lillian D. Rock: Khi nào thì một phụ nữ trở thành tổng thống Hoa Kỳ?… Đây, bà Roosevelt!”
“Tôi không nghĩ rằng không thể tìm được một người phụ nữ có thể làm tổng thống, nhưng tôi không hy vọng gì điều đó sẽ xảy ra trong một tương lai gần,” bà Roosevelt nói, như cách bà vẫn thường nói, có phương pháp và cẩn thận lựa chọn từng chữ.
“Có những người phụ nữ phi thường cũng như có những người đàn ông phi thường, và phải là một người đàn ông phi thường mới có thể trở thành vị tổng thống thành công và hữu ích. Mặc dù phụ nữ ngày càng làm được nhiều việc hơn, ngày càng chứng minh rằng họ có khả năng đảm nhận những trách nhiệm vốn bị coi là nằm ngoài lãnh địa của phụ nữ, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta đã đến thời điểm mà đại đa số nhân dân sẽ cảm thấy hài lòng đi theo sự lãnh đạo và tin tưởng vào phán quyết của một người phụ nữ trong cương vị tổng thống. Và do đó, sẽ không có người phụ nữ nào thành công trong tư cách tổng thống, vì không người nào có thể thành công khi không có được sự tin cậy và niềm tin của đại đa số người dân trong nước, vì đây là một nền dân chủ cai trị theo luật của đa số.
Người ta nói, không người phụ nữ nào chịu đựng nổi sự căng thẳng, nhưng tôi nghĩ nói như vậy là phi lý… Không anh nông dân nào lao động trên cánh đồng nặng nhọc hơn người vợ của chính mình với công việc trong ngôi nhà và trang trại của mình. Cho đến vài năm trước, phụ nữ vẫn làm cùng những công việc mà nam giới vẫn làm trong các nhà máy, cả trong hầm mỏ. Và ngoài những công việc ở cơ xưởng, họ hầu như luôn luôn phải gánh vác công việc gia đình – dù rất mệt mỏi, có thể đoan chắc như vậy – nhưng lúc nào họ cũng còn có việc phải làm ngay khi vừa hoàn tất một công việc nào đó…