Giới Thiệu Bách khoa thư các khoa học triết học I: Khoa học logic
Bộ sách: G.W.F Hegel – Bách khoa thư các khóa học triết học I: Khoa học logic – do NXB Tri Thức phát hành vào đầu tháng 8/2008. Một trong những điều thú vị là những lời chú giải cho những vấn đề triết học “đầy rối rắm” đến những câu thơ bay bổng của nhà thơ Bùi Giáng. Dưới đây là đoạn kết trong “Lời giới thiệu và lưu ý” của dịch giả và nhà chú giải Bùi Văn Nam Sơn.
Vào các thập niên đầu thế kỷ XX, Fereg và Husserl đả kích thuyết duy tâm lý học(Psychologismu) trong logic học cũng là vấn đề trung tâm không thèm nhắc đến tên Hegel và càng không quy chiếu đến công trình Khoa học Lôgic. Không khí “chống Hegel” từ nửa sau thế kỷ XIX ở Âu Mỹ. Nhưng hiện nay, tình hình đã đổi khác. Lôgíc học trở thành trung tâm của việc nghiên cứu về Hegel, và chính trong bối cảnh các cuộc thảo luận của triết học đương đại về ngôn ngữ đã khiến cách đặt vấn đề của Hegel trở nên lý thú: những phạm trù trong tư duy và lời nói của ta là bất tất hoặc tuân theo một “tính logic” nội tại, vượt lên khỏi những dị biệt về văn hóa và lịch sử? Một văn bản tưởng đã trở thành quá khứnay tỏ ra vẫn còn tính thời sự, và lập trường kiên quyết của Hegel buộc ta phải tìm hiểu ông một cách trung thực, để, nếu muốn bày tỏ ý kiến tán thành hoặc phản đối, đếu phải có “nỗ lực và sự kiên nhẫn của khái niệm”.
Dù nhìn từ viễn tượng nào, điều đáng ghi nhận nơi Hegel và chủ nghĩa duy tâm Đức nói chung vẫn là việc xác định nhiệm vụ của triết học (và từ đó tạo nên hứng thú bền lâu đối với triết học): Triết học là nỗ lực làm việc cho sự giải phóng tư duy và cả hành động thực tiễn của con người. Cả hai gắn liền chặt chẽ với nhau: không thể có một thực tiễn tự do nếu không có tư duy tự do cũng như không có một tư duy tự do nào lại không mang lại hiệu quả thực tiễn.
Triết học – như là “ngữ pháp” và “không gian cộng hưởng” của tự do – là chìa khóa cho một thế giới nhân đạo đích thực và không bị tha hóa. Không có “ngữ pháp” và “không gian” này, ta vẫn có một thế giới nhưng đó là thế giới xa lạ, không được thấu hiểu, không được khai phá, nghĩa là, một thế giới không phải là nơi con người cư ngụ như “trong nhà của chính mình”. Không ai chờ đợi sự tiêu biến dễ dàng của sự không tự do, nhưng quả là cần có một lao động bền bỉ nơi “vương quốc của tự do”: sự tự trị của tư duy và hành động là một tiến trình sở đắc liên tục để không tự biến mình thành đồ vật, thành bầy đàn. Vì thế “số phận” của con người phụ thuộc không ít vào những phạm trù và cấp độ phạm trù mà con người tư duy. Nhai lại một cách nói, có thể bảo rằng: “hãy cho tôi biết bạn suy nghĩ bằng những phạm trù nào, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”, bởi phạm trù vươn xa đến đâu, tự do của con người cũng vươn xa đến đấy. Và đó chính là giá trị bất hủ của triết học duy tâm Đức từ Kant đến Hegel, hiểu như là nền triết học về phạm trù và phê phán phạm trù, và do đó, cũng tức là nền triết học về sự tự do.