Giới Thiệu Bà Chúa Bèo
Ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ có một cô bé hiền lành, chịu thương chịu khó. Một ngày cô ngồi ở bờ ruộng lặng nhìn những cây lúa nghẹn đòng ở ruộng nhà.
Cô thương cho lúa và lo cho gia đình mình. Năm nay mất mùa thì lại bữa cơm bữa cháo!
Cô nhìn cánh đồng làng rộng thẳng cánh cò bay. Ðất bạc màu, lúa ốm yếu, xanh một màu vàng vọt. Cô thương cho lúa và lo cho làng xóm. Năm nay mất mùa thì lại có người chết đói!
Cô ôm mặt khóc. Bỗng Bụt hiện ra sáng lòa, hỏi:
– Tại sao con khóc?
Cô bé vừa mếu máo vừa thưa:
– Con khóc vì con thương cây lúa nghẹn đòng.
– Nhưng nước mắt của con có làm cho cây lúa trổ bông, sây hạt được đâu?
Nghe Bụt nói thế, cô bé càng khóc to hơn. Bụt lại hỏi:
– Con có muốn cứu lúa không?
– Dạ, có.
– Muốn cứu lúa, thì con phải đưa cho ta một vật gì con quý nhất.
Cô bé nhìn áo mình thì áo nâu vá, sờ vào túi thì túi nhẵn không, nhòm vào giỏ thì giỏ chỉ có mấy con cua vừa mới bắt được. Sực nhớ đến đôi hoa tai bằng ngọc quý, cô vội gỡ ra, rồi hai tay dâng lên Bụt:
– Thưa Bụt, con chỉ có đôi bông tai hoa dâu, mẹ con trước khi chết đã trao lại. Mẹ con dặn rằng: “Bông hoa tai ngọc này là của quý của dòng họ ta đấy”.
Nói đến đây, cô bé ngừng lại. Bụt giục nói tiếp. Cô bé nhìn đôi hoa tai lóng lánh:
– Mẹ con còn bảo: “Dòng họ có lời nguyền hễ ai được đeo hoa tai mà làm mất hoặc đem bán đi, thì người đó suốt đời sẽ bị dòng họ xa lánh, hắt hủi, suốt đời sẽ sống một cuộc sống lẻ loi, buồn tủi”.
– Con đưa cho ta vật quý, con không sợ bị trừng phạt sao?
Nhìn ruộng lúa nhà mình, nhìn cánh đồng làng, cô bé mạnh dạn thưa:
– Ðể cứu lúa, con xin chịu trừng phạt.
Cô bé quỳ xuống, hai tay dâng đôi hoa tai lên cho Bụt. Bụt nâng cô bé dậy, chỉ vào một đám ruộng nước, bảo:
– Con hãy ném đôi hoa tai bằng ngọc quý này xuống ruộng kia!
Cô bé làm ngay theo lời Bụt. Lạ chưa! Bông hoa tai sáng rực lên một mầu xanh rồi chìm xuống nước. Sau đó nổi lên một cây bèo hình hoa dâu, giống hệt hoa tai của cô bé.
Bụt bảo:
– Con hãy nhân cây bèo lên hàng triệu triệu cây mà bón cho lúa. Lúa sẽ xanh, hết nghẹn đòng, sây hạt, nặng bông. Con xuống ruộng, đụng vào cây bèo đi! Khi nào con làm cho cánh đồng làng này xanh tốt, dòng họ sẽ rút lời nguyền cho con.
Dứt lời, Bụt biến mất. Cô bé xuống ruộng, đụng vào cây bèo xanh mượt. Hễ đụng vào một cây hóa thành hai, đụng vào hai cây, hóa thành bốn, đụng vào bốn cây, hóa thành tám. Thoạt đầu, cô lấy một ngón tay đụng vào bèo, dần dần lấy cả năm ngón tay rồi cả bàn tay mà nhân bèo. Cô mải mê làm đến chiều tối, bèo đã xanh kín cả ruộng. Hôm sau, cô lại đem một ít bèo sang ruộng bên cạnh, và cứ thế nhân lên.
Ruộng nào có bèo hoa dâu, thì lúa xanh tốt, mập khỏe hẳn lên. Dân làng thấy thế, ai cũng mừng rỡ và cùng cô bé ra sức nhân bèo. Chẳng bao lâu, cả cánh đồng mênh mông được phủ một lớp bèo hoa dâu xanh mượt.
Mùa năm ấy, lúa chín vàng trĩu hạt. Dân làng chung quanh thấy bón bèo hoa dâu lúa tốt, đến mua giống. Bèo hoa dâu dần dần lan rộng ra nhiều làng, nhiều huyện.
Một hôm, bố nhìn hai tai cô bé, hỏi:
– Ðôi hoa tai ngọc của con đâu rồi?
Cô bé cúi đầu, ngập ngừng, rồi kể hết cho bố nghe câu chuyện cô ngồi Khóc thương lúa và gặp Bụt.
Bố cảm động, ôm con vào lòng, nói:
– Bụt nói đúng. Dòng họ, dân làng nhờ con mà được ấm no, dòng họ sẽ bỏ lời nguyền, và thương con, yêu con mãi mãi. Ngày nay, không phải chỉ có một đôi hoa tai làm đẹp cho một người mà có hàng triệu triệu hoa tai làm cho mọi người ấm no.
Người ta kể lại rằng: sau khi cô chết, để tỏ lòng nhớ ơn cô, dân làng La Vân, tỉnh Thái Bình lập đền thờ và gọi cô là: “Bà Chúa Bèo“.