Giới Thiệu Anh ngữ thực hành – Khoa học thông tin và thư viện
Ngày nay Tiếng Anh và Web là hai công cụ cần thiết để hỗ trợ đắc lực cho công tác nghiệp vụ Thông tin – Thư viện. Người cán bộ thư viện và quản lí thông tin sử dụng kĩ năng Tiếng Anh để khai thác và chọn lọc thông tin và sử dụng công nghệ Web để xử lí và trình bày thông tin. Hơn nữa, người cán bộ thư viện và sinh viên ngành Thông tin – Thư viện phải sử dụng thành thạo Tiếng Anh để tạo điều kiện cho việc đào tạo và tái đào tạo nhằm bắt kịp nhịp phát triển nhanh chóng của ngành Thông tin – Thư viện trên thế giới – Chúng ta học Tiếng Anh để sử dụng Tiếng Anh.
Chương trình Tiếng Anh chuyên ngành dành cho sinh viên nói chung và sinh viên ngành Thông tin – Thư viện nói riêng nhằm ba mục tiêu chính:
1. Củng cố và hệ thống hóa kiến thức ngữ pháp
2. Phát triển một số vốn thuật ngữ chuyên ngành
3. Tăng cường kĩ năng đọc và hiểu.
Cuốn “Anh ngữ thực hành Khoa học Thông tin – Thư viện (Practice English in Library and Information Science)” được biên soạn để đáp ứng ba mục tiêu trên. Nội dung gồm có hai phần :
Phần 1: “Essential Practice Grammar: Verbs and Sentences – Ngữ pháp thực hành thiết yếu : Động từ và Câu” bao gồm 46 tiêu đề phản ánh ngữ pháp cần thiết nhất, đặc biệt nhấn mạnh giải thích những công cụ giúp dựng câu (sentence) và đọc hiểu câu. Có tất cả 8 công cụ bao gồm 5 nhóm từ (phrase) làm chức năng bổ ngữ (modifier) và tương đương danh từ (noun equivalent) là:
1. Prepositional phrase
2. Infinitive phrase
3. Gerund phrase
4. Participial phrase
5. Noun phrase
và 3 loại mệnh đề (clause) làm chức năng mệnh đề phụ trong cấu trúc câu phức (complex sentence) là:
1. Noun clause
2. Relative clause
3. Adverbial clause
Phần 2 : “Essential Practice Reading Comprehension – Thực hành đọc hiểu chuyên ngành Thông tin – Thư viện” cung cấp một số vốn thuật ngữ chuyên ngành Thông tin – Thư viện, đồng thời thực hành đọc hiểu bằng những bài tập dựa trên 8 công cụ như được nhấn mạnh ở Phần 1, với số vốn từ vựng chuyên ngành trong 10 bài đọc tiêu biểu của ngành Thông tin – Thư viện.
Các bài đọc bao gồm : “Library People” giới thiệu ngành nghề thư viện nói chung và chức năng của người cán bộ thư viện; các bài “National Libraries” và “Academic Libraries” giới thiệu một số thư viện quốc gia lớn trên thế giới, tổ chức và hoạt động của thư viện quốc gia và thư viện đại học, và tầm quan trọng đặc biệt của thư viện đại học trong việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy; một số bài tiêu biểu cho nghiệp vụ thư viện như “Classification”, “Assigning Subject Headings”, “Library Catalogs”, và “Reference Section and Reference Books”; sau cùng là một số bài nói về việc ứng dụng công nghệ mới trong sự phát triển ngành Thông tin – Thư viện nhu “History of Library Uses of Technology”, “Information Age” và “The Twenty-First Library” Phần từ vựng trong từng bài được giải thích một cách đầy đủ từng từ gốc cho đến những từ dẫn xuất.
Mong rằng cuốn sách này là nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp và sinh viên ngành Thông tin – Thư viện vui học Tiếng Anh.
SOẠN GIẢ