Giới Thiệu 5 Nguyên Tắc Thép, 15 Thuật Bán Hàng Thành công
Tại sao khách hàng sẽ bị ảnh hưởng?
Bạn đọc thân mến, trước khi bắt đầu đọc cuốn sách 5 Nguyên Tắc Thép, 15 Thuật Bán Hàng Thành công, hãy vui lòng nghiêm túc trả lời câu hỏi sau:
Bạn đã từng mua những thứ mình chưa thực sự cần đến chỉ vì nghe theo lời quảng cáo của nhân viên bán hàng?
Nếu câu trả lời là Có, bạn hãy thử hồi tưởng lại một chút hoàn cảnh lúc ấy, nhân viên bán hàng đã làm thế nào để có thể khiến bạn quyết định mua hàng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy?
Mọi hành động trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta đều bị chi phối bởi não bộ. Tuy nhiên, trong quá trình tư duy, bộ não của chúng ta lại thường bị ảnh hưởng bởi các thông tin được đưa vào từ bên ngoài, từ đó nó có thể đưa ra những quyết định mang tính bốc đồng.
Vậy thì, mấu chốt của vấn đề ở đây chính là, tại thời điểm đó, nhân viên bán hàng đã sử dụng phương pháp gì để quấy nhiễu quá trình tư duy bình thường của não bộ, làm ảnh hưởng đến hành động mua hàng của chúng ta?
Bằng kinh nghiệm bán hàng nhiều năm của mình, cũng như dựa trên những tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về tâm lí học trong bán hàng, tôi đã phát hiện ra rằng, hầu như toàn bộ các nhân viên bán hàng đều sử dụng 5 phương pháp dưới đây để tác động đến hành vi mua hàng của khách hàng:
Phương pháp thứ nhất là khiến cho khách hàng không tiện từ chối và đưa ra những lời hứa hẹn của mình, từ đó “buộc” khách hàng thực hiện hành vi mua hàng, đây cũng chính là mục đích mà nhân viên bán hàng hướng tới.
Lấy một ví dụ đơn giản thế này: Tôi muốn hỏi bạn một vấn đề rất quan trọng, nhưng lại không dám chắc bạn sẽ trả lời, việc đầu tiên tôi làm sẽ là mở lời hỏi: “Thưa anh, tôi có thể hỏi anh một vấn đề được không ạ?”. Trước một lời nhờ vả lịch sự như vậy, bạn thường sẽ trả lời: “Tất nhiên là được!”.
Và một khi bạn đã nói là “Được”, điều đó có nghĩa là bạn đã đưa ra một lời hứa hẹn và bạn cần phải chịu trách nhiệm với lời hứa đó của mình, không thể biến mình thành một kẻ tiểu nhân chỉ nói lời mà không biết giữ lời được. Có thể những câu hỏi tiếp theo của tôi sẽ khiến bạn phật ý, nhưng mà vì lời hứa trước đó, bạn vẫn cần phải trả lời.
Phương pháp thứ hai chính là các nhân viên bán hàng sẽ đánh vào nhu cầu của khách hàng, cung cấp những sản phẩm phù hợp. Khi nhân viên bán hàng nói trúng nhu cầu của mình, khách hàng có thể sẽ đưa ra những quyết định chóng vánh.
Chẳng hạn như khi chúng ta đang bù đầu xoay sở với công việc của mình, đột nhiên lại có một cuộc điện thoại tiếp thị, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là nói với đầu dây bên kia rằng: “Tôi rất bận, không rảnh”. Nhưng nếu nhân viên bán hàng đó lại nói thế này: “Nếu như có một cách có thể giúp bạn lập tức tiết kiệm được 30% chi phí điện thoại đường dài mà không cần phải đầu tư thêm bất cứ khoản chi phí nào khác, bạn có thể dành cho tôi chút thời gian để giới thiệu ngắn gọn về nó không?”.
Chỉ bằng một chút thay đổi nho nhỏ, nhân viên bán hàng đã nhanh chóng khơi gợi được sự hứng thú của chúng ta, hướng sự chú ý của chúng ta vào những sản phẩm mà họ bán. Nếu bạn hỏi nguyên nhân tại sao lại làm được điều này, chẳng có gì khác ngoài hai chữ “nhu cầu” cả.
Phương pháp thứ ba chính là các nhân viên bán hàng sẽ nhắc nhở khách hàng của mình rằng, có thể hiện tại bạn đang phải đối mặt với một số rủi ro, một khi những rủi ro này trở thành hiện thực, chúng sẽ ảnh hưởng đến công việc của bạn, thậm chí còn có thể trở thành mối đe dọa to lớn đến sự an toàn trong cuộc sống của bạn. Do vậy, chúng ta buộc phải dùng một số biện pháp để tránh những rủi ro này, mà hành động tránh rủi ro đó lại chính là điều mà các nhân viên bán hàng mong muốn đạt được.
Phương pháp thứ tư là nhân viên bán hàng sẽ lợi dụng người khác hoặc sử dụng sức mạnh của đám đông để tác động đến hành vi của khách hàng. Phải biết rằng, hành động của chúng ta thường xuyên bị ảnh hưởng bởi người khác. Bằng cách mượn những đánh giá của người khác, nhân viên bán hàng sẽ tạo tác động đến hành vi mua hàng của bạn.
Ví dụ như khi đang đi dạo phố, chúng ta chợt nhìn thấy rất nhiều người xếp hàng để mua một cây đèn diệt muỗi, vậy là chúng ta cũng đi theo xếp hàng mua một chiếc. Nhưng, lúc mua nó, liệu bạn có từng nghĩ đến việc liệu chất lượng của chiếc đèn diệt muỗi này có đáng tin cậy hay không? Giá của nó có rẻ hơn so với ở trong siêu thị?
Chúng ta thực hiện hành động mua hàng mù quáng này chủ yếu dưới tác động của một loại tâm lí được gọi là tâm lí đám đông(1).
Phương pháp thứ năm chính là nhân viên bán hàng khai thác nhược điểm trong bản chất con người. Bạn biết đấy, bản tính con người luôn có một mặt nào đó không tốt, một khi bị kích thích, nó sẽ tạo ra những hành vi tiêu dùng mà khi ngẫm lại chúng ta không thể nào hiểu nổi.
Việc thảo luận chi tiết về 5 phương pháp để có thể nắm bắt được tâm lí khách hàng nêu trên chính là nội dung cốt yếu của cuốn sách này.
Điều cuối cùng tôi cần làm rõ với các bạn chính là bất kì lí thuyết nào cũng có tính hai mặt: Ưu điểm và nhược điểm. Nếu như bạn là một người tiêu dùng, sau khi đọc cuốn sách này rồi, tôi hi vọng trước khi mở hầu bao, bạn nên thử nghiêm túc nghĩ xem: Thứ mà mình định mua có thực sự cần thiết hay không?
Nếu bạn là một người bán hàng, tôi hi vọng rằng với nhân cách cao đẹp của mình, bạn có thể sử dụng tốt những kĩ năng bán hàng mà tất cả mọi người đều có thể chấp nhận đã được mô tả trong cuốn sách này để phát triển được một thị trường rộng lớn hơn và tạo ra doanh số bán hàng tuyệt vời hơn.